Chương 13


Sáng hôm sau, khi ra xếp hàng điểm số, tôi không thấy Mẫm điếc và Cu lai bị trói gò nằm co quắp giữa sân trại nữa. Người ta đã kéo chúng lết đi đâu rồi. Như thường lệ chúng tôi tập thể dục, chia cơm sáng, ăn lót dạ và chờ tập họp lao động. Kẻng báo tập họp bữa nay hơi trễ. Chúng tôi ngồi tán gẫu mãi mà chẳng thấy nó gầm gừ. Nhưng rồi nó cũng gầm gừ, gầm gừ một cách uể oải như thể nó cảm cúm. Các đội khẩn trương tập họp. Bọn trật tự mặt mày quan trọng bắt chúng tôi im lặng, không được nhúc nhích, quay ngang, ngó dọc. Cán bộ trực trại đã qua cổng. Anh ta không vào chòi mà bước tới đứng giữa toàn đội, cách biển cắm chừng năm thước.
Phú mù, từ sau phía chúng tôi, dẫn Cu lai đến chỗ cán bộ trực trại đứng. Nó bị trói giật cánh khuỷu, mắt tím bầm sưng húp, môi vêu tựa hồ đóa hoa hai cánh nở đỏ ối, cổ hằn rõ dấu roi nổi, mũi lai như là tẹt đi. Chân nó cơ man là vết roi lươn. Nó cúi gầm mặt, chẳng dám nhìn chúng tôi. Mà dẫu muốn nhìn, nó cũng không nhìn rõ. Tôi không hiểu tại sao chỉ có Cu lai. Còn Mẫm điếc đâu? Chắc nó bị chết rồi. Cán bộ trực trại móc túi lôi ra tờ giấy, nhìn Cu lai:
- Ngẩng mắt lên!
Trật tự Phú mù túm tóc Cu lai giật mạnh cho cái đầu Cu lai dựng đứng.
- Toàn thể trại viên lắng tai nghe rõ, - cán bộ trực trại nói, - để nắm vững và rút kinh nghiệm học tập.
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc
QUYẾT ĐỊNH THI HÀNH KỶ LUẬT
Ban giám thị trại cải tạo Phú Văn, Phước Long quyết định thi hành kỷ luật trại viên Cu lai thuộc đội 1 nhà 2 vì đã có những hành vi chống đối lao động, kích động chống cách mạng, vi phạm nội quy bừa bãi, gần đây lại họp bè tụ đảng đánh nhau trong giờ giới nghiêm và đêm qua đã cùng đồng đảng là Mẫm điếc dùng võ khí bén nhọn hạ sát trại viên Đức méo là trại viên lao động tích cực, tiến bộ. Chiếu theo 4 tiêu chuẩn cải tạo và để duy trì nội quy của trại, nay quyết định thi hành kỷ luật trại viên:
Họ và tên: Không có
Tuổi: Không rõ
Bí danh: Cu lai
Sinh quán: Không có
Trú quán: Không có
Can tội: Giật dây chuyền, đồng hồ.
Ba chục ngày biệt giam, hưởng chế độ ăn uống kỷ luật. Đồng chí Nguyễn Tấn Độ là cán bộ trực trại có nhiệm vụ bắt trại viên Cu lai phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định kỷ luật này.
Phú Văn ngày 25 tháng 12 năm 1975
Thay mặt Ban giám thị
Phó giám thị
Võ Cần
(Ký tên và đóng dấu)
Cán bộ đọc xong bản “Quyết định thi hành kỷ luật”, hất hàm hỏi Cu lai:
- Nghe rõ chưa?
Cu lai lí nhí:
- Dạ, rõ.
Phú mù dắt Cu lai về hầm biệt giam. Tôi chưa biết rõ cái hầm này, chỉ nghe bọn đã xuống đó kể rằng hầm biệt giam là địa ngục. Hầm biệt giam ở ngay trong trại, nằm sát một chòi ở cạnh gốc chuối. Cu lai đi rồi, cán bộ trực trại lên lớp chúng tôi về Bốn tiêu chuẩn cải tạo, Nội quy và nếp sống văn hóa mới cùng con người mới trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Sau đó, cán bộ tuyên bố sáng nay nghỉ lao động, toàn trại tổng vệ sinh, trại viên nhà nào về nhà ấy, nhưng cấm bước vào nhà, phải xếp hàng ngồi ngoài sân trước cửa nhà. Chúng tôi thi hành nghiêm chỉnh và bắt đầu hồi hộp. Vì tổng vệ sinh có nghĩa là kiểm nghiệm, nói toạc ra là khám xét đồ đạc. Ở các nhà tù và trại lao cải, hễ xảy việc gì quan trọng là có tổng vệ sinh!
Cán bộ và vệ binh đã tới đông đủ. Người ta bảo chúng tôi vô lấy đồ đạc cá nhân đem hết ra. Khẩn trương! Khẩn trương để không dấu diếm thứ gì cần dấu diếm. Nháy mắt, chúng tôi đã khuân túi, bị, ca, cóng, muỗng, chén, quần áo ra sân. Đội nào riêng đội ấy, cán bộ quản giáo kiểm soát, vệ binh lục đồ khám xét. Đội trưởng theo chân vệ binh ghi chép những món bị tịch thu. Hôm nay, mục đích của người ta là khám xem những thằng nào giữ vũ khí bén nhọn vì Cu lai, Mẫm điếc đã giết Đức méo bằng vũ khí bén nhọn! Người ta rũ tung quần áo của chúng tôi, lần mò khắp túi, bị. Cảnh kiểm nghiệm tư trang của tù giống hệt cảnh chợ trời bán đồ cũ, lạc xoong. Một cái đinh, một khúc dây kẽm, một mẩu i-nốc, những con dao nhỏ cỡ ngón tay chế biến từ mẩu sắt, mảnh thép lượm bậy bạ để thái rau, mổ nhái đều bị lập biên bản và bị kỷ luật.
Màn kiểm nghiệm kéo dài. Nếu chúng tôi được thăm nuôi, có lẽ, thức ăn sẽ phơi nắng dụ dỗ ruồi nhặng và người ta sẵn sàng liệng bừa bãi chẳng xót thương. Kiểm nghiệm ngoài sân chán chê, người ta kiểm nghiệm trong nhà. Tù là bọn dấu đồ giỏi hơn gián điệp. Đội tôi không thằng nào bị lập biên bản. Tôi phục Mai bím quá. Hôm mới lên đây, nó bắt tôi đưa tiền để nó dấu chung với tiền của dân cho nó trên đường lưu đày Sài Gòn - Đà Nẵng. Chú Tường tặng tôi mấy đồng, tôi đã đưa Mai bím hết. Nhờ vậy, mấy đồng bạc kỷ niệm của chú Tường còn nguyên. Khoảng 9 giờ, cán bộ, vệ binh bỏ về. Chúng tôi thu dọn chiến trường. Quân ta toàn thắng. Địch rút lui chẳng vớ được món nào quan trọng. Sắp xếp đồ đạc, chỗ nằm xong xuôi thì đến giờ lãnh cơm. Miễn lao động mà bị kiểm nghiệm thà lao động gấp hai vẫn sướng. Trưa nay chúng tôi không được tắm gội, mò ốc, lặn nghêu, sò, câu cá, hái rau. Và cơm bồi dưỡng mà Ban giám thị hứa hẹn chiều qua cũng phèo luôn. Đội trưởng hỏi tụi nhà bếp, nhà bếp chế giễu rằng gần Tết hoặc gần chết mới có cơm bồi dưỡng!
Buổi chiều chúng tôi tiếp tục đi lao động. Cây sao đã bị chặt hết tầng rễ thứ năm. Chúng tôi đào bới tầng rễ thứ sáu. Càng sâu, rễ càng ít và càng mềm, chặt đỡ vất vả. Tí ngầu đã chỉ “mánh lới giải lao” cho tôi. Nó bảo đầu không nhô lên mặt đất, cán bộ sẽ không thấy và mình tha hồ nghỉ. Cán bộ lười đi lại kiểm soát lắm, cứ ngồi ì tại chỗ phóng mắt nhìn. Nhìn chán thì ngáp rồi ngủ. Nhớ hôm tôi được biên chế về đội 1, Hòa đen nói quản giáo đội 1 dễ dãi. Bây giờ tôi mới hiểu sự dễ dãi của quản giáo đội tôi! Bọn lâm sản hưởng chế độ lao động khoán và thường làm thông tằm. Trưa chúng nó lang thang trong rừng kiếm ăn, chiều nộp lồ ô, cây, mây, nứa rồi về. Chúng tôi đợi bọn lâm sản thông báo số phận của Mẫm điếc. Lại một buổi chiều buồn thảm. Mẫm điếc ăn đòn no nê quá, chết trói giữa sân trại. Bọn lâm sản cởi dây trói dùm nó và chôn nó cạnh Đức méo, 18 cân và 13 cân rưỡi nằm bên nhau trên quả đồi hiu quạnh không đóng ván cũng chẳng bỏ chiếu. Dưới lòng đất, Diêm vương sẽ cho chúng nó ăn tiêu chuẩn đồng đều và chúng nó sẽ hết hiềm khích, thù hận đến nỗi phải giết nhau. Phúc cho mày đã chết nghe, Mẫm điếc. Nếu mày chưa chết, mày sẽ xuống hầm biệt giam ba mươi ngày!
Mọi việc đã yên ổn và chìm vào quên lãng. Chẳng đứa nào bỏ cơm để tưởng niệm Đức méo, Mẫm điếc. Cũng chẳng đứa nào khóc thương Cu lai rên rỉ dưới hầm. Đồng thổi bị gọi lên Ban giám thị làm việc. Đúng ngày 1 tháng 1 năm 1976, tôi 14 tuổi, đứng dưới tầng hầm thứ chín của rễ sao thì cán bộ quản giáo đội tôi bị đổi đi trại khác và Đồng thổi mất chức đội trưởng. Tí ngầu thay chỗ Đồng thổi. Hên sún kế vị Tí ngầu. Đồng thổi xuống làm trại viên bình thường, ân huệ miễn lao động bị tước đoạt. Quản giáo mới biên chế tổ lung tung. Mai bím bám sát tổ cũ. Bé Hai và tôi được biệt phái công tác phá gò mối. Tôi chém cái rễ chuột, cái rễ cuối cùng của cây sao cao vút, hiểm hóc, hạ nó đổ rầm rầm để đánh dấu ngày xa tổ cũ của tôi. Tôi đã có nghề hạ cây. Rất hào hứng, tôi sang nghề phá gò mối. Không cần làm chung chỗ với Mai bím nhưng tôi vẫn còn nằm chung sàn với Mai bím, cạnh nó. Tí ngầu ghét xáo trộn chỗ nằm, mất công nó chỉ định, dàn xếp, cãi cọ, chửi bới.
Bé Hai được làm chung chỗ tôi vui vẻ ra mặt. Nó sẽ có nhiều dịp nói chuyện Chúa. Mai bím, trái lại, hơi buồn. Nó không muốn xa tôi, dù xa tổ. Nó rủa thầm cán bộ quản giáo mới và mong anh này sớm đổi nơi khác. Quản giáo không khoán hai đứa tôi bao nhiêu thời gian một gò mối lớn, một gò mối nhỏ. Anh ta bảo chúng tôi tùy sức mà lao động, đừng trây lười thôi. Chúng tôi được phát cuốc, xẻng, xà beng và lời khích lệ “Cố gắng lao động tốt sẽ về sớm”. Chào mừng năm 1976, bé Hai và tôi leo lên ngọn gò mối, đứa cầm xà beng, đứa cầm cuốc. Giá lúc ấy có ai chụp một tấm ảnh, hai đứa tôi sẽ giống tài tử màn bạc. Gò mối rắn chắc như xi măng trộn cát. Mối vừa là bọn kiến trúc sư vừa là thợ xây tài tình. Cái gò mối đầu tiên trong đời mà tôi và bé Hai sắp phá, tuy không to lắm nhưng đứng bên kia, bé Hai sẽ không thấy tôi bên này. Tôi thử mấy nhát cuốc. Cuốc trong tay tôi dội lên, ê ẩm. Phải dùng xà beng. Hai đứa thay phiên nhau khoét từng tảng rồi cắm xà beng đẩy bung ra. Lớp đất ngoài thật khó phát đối với sức lực của chúng tôi. Hai đứa đành chơi trò gặm nhấm. Chúng tôi khoét ngọn xuống chứ không phá chung quanh. Phá gò mối gay go gấp mấy lần hạ cây. Bé Hai cởi trần, mồ hôi chảy rơi thấm đất mối từng giọt, từng giọt. Tôi nghĩ phải nửa tháng chúng tôi mới san bằng cái gò mối vững chãi, thành trì kiên cố của vương quốc mối hàng tỷ công dân. “Tùy sức mà lao động”, cán bộ đã chỉ thị, chúng tôi khỏi lo roi dây điện hối thúc. Cứ hì hục đào, bẩy, chừng mệt, hai đứa tìm bóng mát nghỉ ngơi, tán gẫu.
- Anh ạ, em phục bọn mối quá, - bé Hai nói - nó chút nhí mà xây cái tổ bự thù lù. Anh biết nó xây mấy chục năm không?
- Cả trăm năm ấy chứ. - Tôi nói.
- Nó xây một trăm năm, mình phá bao nhiêu ngày?
- Hai mươi ngày.
- Không tới đâu, anh ạ! Tuần lễ thôi, mình to gấp triệu lần nó.
- Nhưng nó những tỷ tỷ thằng chăm chỉ làm việc. Mình thì chỉ khoái ngồi chơi.
- Tại mình không thích làm việc, chứ bộ. Ở viện, chúng em xuống xe cam nhông bột mì nhấp nháy à. Ma xơ khen chúng em làm việc giỏi.
Bé Hai nhìn trời. Mây lững lờ trôi. Gió thổi nhẹ phất phơ mái tóc mềm của nó. Giọng nói hiều dịu, tha thiết:
- Mối nó đang sống yên ổn, mình phá gò mối của nó, nó đi về đâu hở, anh?
Tôi nhìn bé Hai. Nó giống hệt thiên thần, một thiên thần bị đày xuống vùng lao cải.
- Nó sẽ làm gò khác.
- Em sợ nó vất vưởng như anh em mình. Em đang sống yên ổn ở viện, người ta phá viện, em ra vỉa hè rồi bị bắt, bị ghép tội móc túi. Em chả thích phá gò mối tí nào!
- Bé Hai yên tâm đi, mối không bị lao cải đâu. Nó giỏi lắm, nó sẽ xây gò khác.
- Mà em chả thích phá nó.
- Lệnh mà, em.
- Em ghét lệnh.
- Ghét cũng phải tuân lệnh. Không tuân lệnh sẽ giống thằng Mẫm điếc, Cu lai.
Chúng tôi tiếp tục phá gò mối. Tự nhiên, tôi có ý nghĩ về cái gò mối đang chịu đựng những nhát xà beng dộng xuống bình bình. Vương quốc ấy với hàng tỷ thần dân sống yên lành như đã sống yên lành cả trăm năm rồi. Chắc chúa mối chẳng bao giờ tin rằng, có một ngày, hai đứa trẻ lạc loài vào rừng, san bằng vương quốc của mụ ta. Mụ chúa mối đã tự hào lắm, cái công trình tưởng chừng vĩnh cửu đời đời. Nhưng mụ sẽ chới với. Hai đứa bé yếu đuối, hèn mọn sẽ đập tan vương quốc mối của mụ. Không có gì vĩnh cửu dưới ánh sáng mặt trời. Mụ chúa mối phải hiểu thế. Mụ không được quyền bắt hàng tỷ mối nô lệ, tù đày sống và chết trong cái gò khô cằn khốn nạn của mụ. Tôi đã hạ đổ nhiều cây cổ thụ, tôi sẽ san bằng gò mối vững chắc này.
- Mệt chưa, bé Hai?
- Chưa.
- Nghỉ thôi. Anh em mình hạ quyết tâm hai mươi ngày.
- Tuần lễ thôi.
- Hai mươi ngày lai rai. Có ngu mới hoàn thành sớm. Mình xong sớm, nó giao mình việc khác, bắt mình làm lẹ là mình chết rũ xác.
- Anh nói đúng.
- Mai bím dạy anh: “Tù thì không nên thật thà, tù phải biết gian dối, càng gian dối càng thoát ăn đòn”.
Tôi rất phục loài mối. Buổi sáng chúng tôi phá hoại căn cứ của chúng nó bao nhiêu thì buổi trưa, trong lúc chúng tôi về trại nghỉ, chúng nó tu sửa lại bấy nhiêu. Mối nhả nước miếng ra xây cất. Thoạt đầu, chỗ xây cất mềm, qua vài ngày nó khô cứng. Mối kiên nhẫn vô tả. Tôi lại học được sự kiên nhẫn của loài mối. Đúng hai mươi ngày, bé Hai và tôi “hoàn thành nhiệm vụ đạt chỉ tiêu” san bằng gò mối. Tôi thộp được cổ mụ mối chúa. Mụ ta to bằng ngón chân cái của tôi, mũm mĩm trắng bệch. Mụ ở riêng một “lâu đài”. Lâu đài của mụ, bọn mối công binh xây dài như cái hộp hình chữ nhật, nhẵn thín. Mụ cả đời nằm khếch một chỗ hưởng thụ. Mọi việc do lũ mối ngu đần tích cực lao động. Mối lính chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ mụ sống phè phỡn. Mụ đang làm trò hề trong lòng bàn tay tôi. Mai bím chạy tới xin mụ mối chúa. Nó bỏ vào miệng, nuốt chửng. Tôi trợn mắt sợ hãi.
- Đại bổ là nuốt sống mối chúa, - Mai bím nói, - không thứ gì bổ hơn. Mày hên lắm mới tóm dính nó đấy, thường người ta phá gò đếch bắt được mối chúa, tụi mối nhóc cứu chúa của nó bằng cách xúm nhau ăn thịt chúa.
- Ai dạy mày thế, Mai bím? - Tôi hỏi.
- Tí ngầu. Mẹ kiếp, những thằng khoái làm cha người ta như mụ mối chúa này, sẽ có ngày bị nuốt sống.
Tôi không hiểu Mai bím muốn chửi ai. Hai đứa tôi, san bằng một gò mối thì thừa thãi kinh nghiệm phá gò mối. Để bọn nhãi chúng tôi quên đi những cảnh đánh đập chết chóc vừa qua, cán bộ quản giáo đội tỏ ra dễ chịu. Chúng tôi không bị roi dây điện hối thúc lao động. Chả biết bao giờ roi lại hoạt động? Bé Hai và tôi cứ kiếm gò mối mà phá. Mai bím hạ cây. Chúng tôi có những ngày yên ổn, có những con cá mè, có những cóng canh rau tàu bay nấu nhái, thỉnh thoảng, có củ khoai, củ sắn do bọn lâm sản chôm chỉa của trại, ăn thừa, đem cho. Trại chuẩn bị đón Tết. Một thằng không sống kịp để ăn cái Tết lao cải đầu tiên trong đời nó. Là Cu lai. Người ta phạt nó 30 ngày giam dưới hầm riêng biệt. Ăn hai trận đòn quằn quại, ăn cơm kỷ luật và khom lưng dưới lòng đất, chịu hết nổi, Cu lai đã chết. Nó lai Mỹ. Tên lính Mỹ nào đó là bố nó đã cút về Mỹ rồi, không đặt cho nó cái tên. Cả cái tên cho một đứa con rơi rớt mà loài người cũng nỡ khước từ. Nó đành để bạn vỉa tặng nó biệt danh Cu lai! Bọn trật tự đưa cơm cho nó, thấy nó không lấy cơm. Chúng nhấc miếng tôn đậy nắp hầm. Cu lai nằm co quắp. Chúng hô hoán. Và bọn lâm sản khiêng xác Cu lai ra trại, đưa lên ngọn đồi quen thuộc, sau khi cán bộ trực trại lập biên bản, xác nhận Cu lai chết vì bị kiết lỵ!
Chúng tôi được hứa hẹn vui xuân thoải mái nhưng vẫn phải lao động hết ngày 29 tháng chạp âm lịch. Thời tiết ở Phước Long khe khắt lắm. Chúng tôi thiếu áo lạnh, thiếu mền. Đêm nào cũng rét run. Rét quá không ngủ được thì phải thức. Thức thì đói. Mà đói lại càng rét. Nếu không có hàng rào chung quanh trại và cái cổng trại không khóa chặt, khối đứa sẽ rình đêm tối, bò ra nương rẫy đào trộm khoai, sắn. Tôi lấy làm lạ. Nhà của chúng tôi người ta không làm cửa đóng kín và khóa chặt? Nhà cửa ngỏ mà trại kín cổng, cao vút hàng rào! Người ta sợ chúng tôi trốn trại lao vào rừng cọp beo ăn thịt chúng tôi. Nên hai hàng rào đã là hai phần nhân đạo, khoan hồng. Còn những cú đấm, cú đá và roi dây điện quất chỉ là biện pháp giáo dục cao. Người ta nói thì tôi nghe, hơi đâu thắc mắc.
Mai bím xem chừng không thích Tết mấy. Trẻ con không thích Tết, kể cũng lạ. Nó bảo nó đã ba lần ăn Tết ở Tế Bần, hai lần ăn Tết ở Chí Hòa, còn bao nhiêu ở vỉa hè. Nó kết luận ăn Tết vỉa hè khoái hơn ăn Tết tù. Nó hồi tưởng những cái Tết tù rồi chán ngán. “Tao ghét tất cả những thứ Tết!” Bé Hai kể chuyện Tết cô nhi viện. Giọng nó hồn nhiên mà bùi ngùi. Mơ ước của bé Hai là được về viện sống tới ngày Chúa định liệu dùm cuộc đời nó. Hai đứa bắt tôi ôn kỷ niệm Tết của tôi, Tết có ông bà, cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn bè. Tôi không dám kể nhiều, sợ phải khóc mất. Những ngày cuối năm, nhớ nhà kinh khủng. Cả những đứa không nhà cửa cũng nhớ nhà. Trời lạnh và bầu trời thấp lè tè, chẳng chút xíu nắng nào, càng tăng thêm nỗi nhớ nhà. Bé Hai và tôi dồn những cơn nhớ vào xà beng, vào cuốc, bửa gò mối. Cả trại tích cực lao động để đón xuân giải phóng đuổi sạch bọn quân thù trên quê hương. Một số thằng khéo tay được cán bộ giữ ở nhà làm đèn giấy, hoa giấy, kết lá, đóng chậu cắm hoa… Bọn lâm sản vào rừng sâu chặt cành mai và kiếm hoa lan về trưng bày.
Ba mươi tháng chạp, cả trại nghỉ nhưng chúng tôi phải bày hết đồ đạc ra sân kiểm nghiệm. “Tổng vệ sinh đón xuân”, Ban giám thị truyền thế. Chúng tôi rất ghét “tổng vệ sinh”. Mất thì giờ và mất… đồ bén nhọn. Tổng vệ sinh nuốt gọn chúng tôi buổi sáng. Buổi chiều chúng tôi chuẩn bị đón giao thừa. Người ta cho chúng tôi ăn bữa cơm thật no nê với một miếng thịt heo kho lõng bõng nước muối pha đường cục. Người ta cho phép chúng tôi muốn hát gì thì hát trong ba ngày Tết. Thế là màn văn nghệ xảy ra. Bọn nhãi hát đủ thứ các bài nhạc vàng từ chập tối đến nửa đêm. Thằng nào không khoái văn nghệ tù thì lang thang ngoài sân trong bóng đêm mù mịt. Tôi buông màn nằm ngủ. Mai bím không thích Tết cũng phải. Tết tù chán mứa, buồn muốn khóc. Nửa đêm tôi thức giấc, nghe thằng tù nhãi rên rỉ: “Xuân này nếu con không về chắc mẹ buồn lắm…” Giọng ống bơ rỉ của nó, lúc khác mà bị nghe, chắc chắn tôi đã nổi sùng. Nhưng bây giờ, bọn nhãi con sau khi văn nghệ mệt mỏi đã ngủ quá nửa, những đứa còn thức ngồi yên không gây ồn ào. Nghe câu “Xuân này nếu con không về chắc mẹ buồn lắm…” diễn tả qua giọng ống bơ rỉ, tôi bỗng xúc động vô cùng. Tưởng như tôi đang thủ thỉ với mẹ tôi. Tưởng như thằng nhãi tù đang gởi dùm tôi, giọng hát của nó, bay qua hàng rào lồ ô, thép gai, về Sài Gòn cho mẹ tôi nghe rõ nỗi nhớ thương vời vợi của tôi.
Giọng hát của thằng nhãi bỗng tắt ngấm. Căn nhà im lặng. Đã giao thừa chưa nhỉ? Tôi không rõ. Ngọn đèn leo lét treo trước cửa cầu tiêu khiến mùa Xuân cũng ngại ngần vào đây. Tôi cảm giác một cái gì rờn rợn, u uất và hôi hám. Có lẽ, đó là mùa Xuân nhà tù. Sáng hôm sau, chúng tôi phải tập họp như tập họp đi lao động. Người ta bày một cái bàn, phủ miếng ny-lông nhựa màu lên. Giữa bàn trưng một bình hoa mai nở rộ. Ban giám thị vào trại… chúc Tết chúng tôi. Chào mừng họ, chúng tôi đứng hết dậy, vỗ tay rôm rốp. Vỗ chưa to, chưa đúng tiêu chuẩn, cán bộ bắt vỗ to hơn, ròn rã hơn. Ban giám thị cũng vỗ tay. Họ bảo chúng tôi ngồi, cầm giấy, đọc làu ràu:
“Các em trại viên thân mến,
Nhân dịp năm mới, tôi thay mặt Ban giám thị,
chúc các em một mùa xuân dồi dào sức khỏe,
tích cực lao động và cải tạo tư tưởng tốt
và qua các em, tôi cũng gởi lời chúc Tết
gia đình các em.”
Ông giám thị ngừng đọc để vỗ tay. Chúng tôi vỗ tay theo.
“Năm qua các em đã phấn đấu lao động năng xuất cao
Thành quả của các em là trại ta càng ngày càng mở rộng,
mùa màng thu hoạch tốt góp phần tạo sự phồn vinh cho tổ quốc xã hội
chủ nghĩa…”
Tôi không nghe rõ thêm gì nữa. Hình như tất cả chúng tôi đều không muốn nghe thêm. Tiếng roi dây điện quất veo véo lên da thịt chúng tôi, thúc giục chúng tôi lao động, tiếng dạ dày réo sôi đòi ăn no đã lấn át tiếng chúc tù năm mới của Ban giám thị. Vỗ tay, vỗ tay và vỗ tay. Chúng tôi bị ngồi hơn tiếng đồng hồ nghe lên lớp. Cuối cùng, người ta cho chúng tôi giải tán. Bấy giờ, tiếng vỗ tay mới chí tình. Thường lệ, chủ nhật, ngày lễ lớn, chúng tôi bị cúp cơm sáng. Mồng một Tết, chúng tôi vẫn bị cúp cơm sáng như thường. Trưa và chiều mùng một, mồng hai chúng tôi được ăn cơm no với thịt y hệt bữa chiều ba mươi. Trưa mồng ba còn hưởng cơm Tết, chiều mồng ba lại ăn cơm ít và ăn với muối. Bữa chiều mồng ba được kể là đã ăn chiều ba mươi! Người ta tính toán rất kỹ. Tết tù của chúng tôi không có bánh chưng, xôi chè chi cả. Lòng lợn chả thấy miếng nào. Cán bộ thầu hết bộ đồ lòng rồi, tụi nhà bếp nói vậy. Trước Tết người ta hứa mỗi ngày, dẫn chúng tôi ra suối tắm một lần. Nhưng trọn ba ngày Tết, không gặp cán bộ đâu để xua đi tắm. Chúng tôi mong Tết chóng tàn. Tết dơ dáy quá, chịu sao nổi! Buồn cười nhất là nếp sống văn hóa mới dạy chúng tôi phải năng tắm giặt.
Đấy, Tết tù lao cải của chúng tôi, nó ngắn gọn và ảm đạm cơ hồ đời tù nhân chúng tôi. Người ta lại hứa, sang năm chúng tôi ăn Tết lớn hơn, sang năm nữa ăn Tết còn lớn hơn nữa. Tội nghiệp Đức méo, Mẫm điếc, Cu lai đã không biết Tết tù lao cải. Tội nghiệp chúng nó hay nên chúc chúng nó? Mai bím luôn miệng so sánh Tết tù cách mạng với Tết tù thời ngụy. Còn bé Hai tiếc rẻ những cái Tết ở cô nhi viện. Những cành mai bị bọn nhãi vặt trụi hoa. Những cái đèn giấy, hoa giấy bị chúng nó xé nát. Chẳng đứa nào dám báo cáo cán bộ vì sợ bị giết giống Đức méo và sợ bạn mình bị no đòn giống Mẫm điếc, Cu lai.
Qua cái Tết phải cười vui, hát xướng, cấm không được buồn bã, nhớ nhà, chúng tôi hạ quyết tâm tự thi đua ngắn hạn bảo đảm tăng năng xuất gấp đôi! Tôi ngồi lại tập họp, nhìn lên cái biển đóng chặt trên cổng. Khi đi, khẩu hiệu “Lao động là vinh quang” bảo tôi rằng, mày hãy lao động kỹ vì lao động là vinh quang, là thước đo giá trị của mày. Khi về, khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, bảo tôi rằng, mày đã vào tù thì cái quý nhất là độc lập, tự do. Hai khẩu hiệu trên hai mặt biển như một đồng tiền sấp ngửa trên chiếu bài đời. Suốt đời tôi ghi nhớ hai khẩu hiệu bất hủ này. Bởi vì, tôi đã định nghĩa nó bằng hết đời niên thiếu của tôi. Nhiều đứa đã định nghĩa hết cuộc đời. Nhiều đứa định nghĩa bằng những cái chết khốn khổ. Một vài đứa, may mắn hơn tất cả, chỉ định nghĩa bằng những ngọn roi dây điện quát nát da thịt mình, bằng những ngày đêm đói khát dưới hầm biệt giam ngộp thở...