Phùng Hưng ( Bố Cái Đại Vương )


(761-802)

Năm Đinh Mùi (767) quyền thống trị của nhà Đường trên đất Việt bắt đầu suy yếu. Năm Đại lịch thứ hai đời Đường Đại Tông có giặc Côn Lôn và Chà Và vào quấy nhiễu. Quan Kinh lược sứ nhà Đường là Trương Bá Nghi chỉ còn biết cách đóng chặt cửa thành chờ cứu viện. Vua Đường sai Cao Chính Bình đem quân sang đánh tan giặc ở Cửu Chân, sau đó y được giữ chức đô hộ An Nam. Cao Chính Bình ỷ thế ra sức tàn sát, cướp bóc, vơ vét của cải của dân ta, khiến người người đều căm giận. Nhân cơ hội đó Phùng Hưng cùng hai anh em là Phùng Hải và Phùng Dĩnh hiệu triệu dân Việt nổi lên chống nhà Đường.

Phùng Hưng xuất thân từ dòng dõi cự tộc, hào trưởng của đất Đường Lâm (Ba Vì, Hà Nội). Bố của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh, một người hiền tài đức độ, từng tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan. Sau đó ông trở về quê, chí thú làm ăn trở nên giàu có, nuôi trong nhà hàng ngàn nô tỳ. Phùng Hạp Khanh có người vợ họ Sử, một lần sinh 3. Phùng Hưng khôi ngô, khác thường. Trong 3 anh em, Phùng Hưng có sức khỏe và khí phách đặt biệt. Ông được sử sách và nhân dân lưu truyền về tài đánh trâu, giết hổ ở Đường Lâm. Kể rằng có lần ông đánh được hai con trâu mộng đang húc nhau. Lần khác, bằng mưu kế, ông đương đầu với con hổ dữ khét tiếng trong vùng, giết chết mãnh thú, trừ được họa cho dân. Vì được dân sẵn lòng mến phục, nên khi Phùng Hưng trương cờ dấy nghĩa mưu việc lớn, nhân dân theo về đông. Chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân lên tới vài vạn người. Quân giặc ở châu Đường Lâm và các vùng phụ cận không đương nổi những cuộc công phá sấm sét phải tháo chạy. Phùng Hưng xưng là Đô Quân, Phùng Hải xưng là Đô Bảo, Phùng Dĩnh xưng là Đô Tổng chia quân đi trán giữ các vùng hiểm yếu. Cao Chính Bình đem quân đi đàn áp nhưng chưa phân thắng bại. Khi tiến công, khi thế thủ, cuộc chiến diễn ra hơn 20 năm. Năm Tân Mùi (791), Phùng Hưng cùng các tướng Phùng Hải, Phùng Dĩnh, Đỗ An Hàn, Bồ Phá Cần chia ra làm 5 đạo bất ngờ vây đánh thành Tống Bình. Cao Chính Bình đem 4 vạn quân ra nghênh chiến. Sau 7 ngày đêm xung sát, quân giặc núng thế phải rút lui vào thành trấn thủ. Nghĩa quân Phùng Hưng thừa thắng reo hò bủa vây khắp 4 mặt thành. Thấy quân mình bị chết nhiều, Cao Chính Bình lo sợ phát ốm rồi chết. Phùng Hưng chiếm lĩnh thành trì, vado phủ đô hộ điều khiển việc nước được 7 năm thì mất. Con trai là Phùng An lên nối ngôi, thể theo lóng mộ của nhân dân tôn hiệu cha là Bố Cái Đại Vương, Phùng An nối nghiệp được 2 năm thì bị vua Đường cử Triệu Xương đánh bại.

Phùng Hưng mất nhưng nhân dân không nguôi nhớ tiếc ông. Truyền thuyết dân gian kể: Phùng Hưng rất hiển linh giúp dân lúc hoạn nạn. Dân làng cho là linh ứng, lập miếu để thờ tự tại Đường Lâm. Sau này, Phùng Hưng cũng hiển linh giúp Ngô Quyền đánh thắng giặc sông Bạch Đằng. Vì Vậy, Ngô Quyền cho lập đền thờ ông rất lớn. ở Quảng Bá ( Hà Nội), Triều Khúc (Hà Sơn Bình). ở Đại ứng, Phương Trung, Họach An ( Thanh Hóa, Hà Sơn Bình)v.v.. đều có đền thờ ông.