Ngày xưa, về đời vua Trần Dụ Tông, có Đặng Sĩ Dinh, ở làng Ma La làm quan An phủ sứ. Năm Thiệu Phong thứ ba, vâng mệnh vua đi sứ nước Tàu, để vợ là Vũ Thị ở nhà.

Nguyên làng này có một đền thờ thần Ma La, nhân dịp ấy đến đêm thần hiện ra người, hình dung cử chỉ chẳng khác nào Sĩ Dinh rồi vào phòng Vũ Thị cùng nhau giao hoan, đến gà gáy lại biến đi mất. Đêm sau, Vũ Thị hỏi rằng: "Chàng vâng mệnh vua đi sứ Tàu, sao thường đêm lại về nhà sáng ra lại không thấy"? Thần nói dối rằng: "Vua đã sai người khác thay ta, mà ta thì ngài bắt ở cạnh ngài để hầu cờ không cho ra ngoài, nhưng ta nghĩ tình vợ chồng lẻn trộm về để cùng nàng ân ái, mờ sáng phải vội vào chầu, không dám trì hoãn". Nói xong, gà gáy lại đi, Vũ Thị trong bụng lấy làm nghi lắm.

Được một năm, Sĩ Dinh đi sứ về thấy Vũ Thị có thai đã gần đẻ, bèn làm trạng tâu vua, Vũ Thị liền bị hạ ngục. Đêm ấy, vua mộng thấy thần đến tâu rằng: "Tôi là thần Ma La lấy vợ là Vũ Thị có thai mà bị Sĩ Dinh cướp mất". Vua kinh ngạc tỉnh dậy, đến sáng mai sai quân giữ ngục đưa Vũ Thị ra mà phán rằng: "Vợ thì trả cho Sĩ Dinh, con thì giao lại thần Ma La". Ba ngày sau, Vũ Thị sinh được một bọc đen, xé ra được một đứa con trai đen như mực. Năm lên 12 tuổi vì thần không có họ, vua bèn đặt họ Hà tên Ô Lôi. Da Ô Lôi tuy đen nhưng đen nhoáng như mỡ. Năm 15 tuổi, vua triệu vào hầu cận, rất yêu và đãi làm bậc tân khách.

Một hôm Ô Lôi đi chơi gặp tiên Lữ Động Tân hỏi: "Đứa bé kia ngươi muốn gì không"? Đáp rằng: "Ngày ngay thiên hạ thái bình, nước nhà vô sự, xem phú quý cũng như mây nổi, chỉ muốn được cái giọng hay, sắc đẹp để làm vui tai mắt chơi thôi". Động Tân cười mà rằng: " Giọng hay sắc đẹp của ngươi rồi sẽ một hay một dở. Nhưng ta cũng cho cái tuyệt kỹ ấy để lưu tên một thời". Bèn bảo Ô Lôi há miệng lưỡi ra mà nhổ nước bọt vào bảo nuốt đi, xong rồi cưỡi mây đi mất. Từ đó Hà Ô Lôi tuy không biết một chữ gì cả nhưng thông mẫn, biện bạch giỏi hơn người, làm được cả tứ phú thơ ca. Cái giọng ca hát ngâm vịnh của anh chàng như cợt gió bỡn trăng, mây bay, nước chảy, làm cho người ta để ý và thích nghe. Thường đi chơi các chùa miếu cầu đò nhàn ngâm dật hứng, đi khỏi rồi mà cái dư âm còn văng vẳng, đàn bà con gái lại càng muốn xem cho được mặt anh ta. Vua thường truyền lệnh ở triều rằng hễ Ô Lôi có phạm gian con gái nhà ai, bắt được giải đến vua, sẽ bắt ta tiền một nghiền quan. Nếu ai tự tiện giết hay làm bị thương thì phải bồi thường một vạn quan.

Bấy giờ trong tôn thất có bà quận chúa tên là A Kim, hiệu nàng là Kim Liên, năm 23 tuổi chồng chết ở góa thủ tiết. Bà quận chúa có một sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, trong đời chẳng một ai sánh kịp. Vua vẫn có lòng yêu muốn chung tình mà không được, nên giận thường để bụng. Một hôm bảo Ô Lôi rằng: "Mày có cách gì để ta chung tình với nàng chăng"? Ô Lôi tâu: "Hạ thần xin hẹn trong một năm, như không thấy hạ thần về, ấy là mưu không thành, hạ thần đã chết rồi vậy". Tâu xong lạy tạ ra đi.

Về đến nhà, Ô Lôi bỏ cả quần áo rồi xoa đất bùn vào người, đoạn ra trời dầm dãi nắng mưa cho nhớp nhúa. Lại đóng một cái khố, cầm một cái liềm, quảy hai sọt tre giả làm anh chăn ngựa đến nhà Quận Chúa, cho tên coi cổng một gói trầu để xin nó vào vườn cắt cỏ. Buổi ấy vào khoảng tháng năm hoa lài đang đại hội nở, Ô Lôi cắt hết hoa bỏ vào sọt. Thị tỳ thấy vườn hết hoa bèn hô người bắt Ô Lôi lại, để đợi người tới chuộc, bắt họ bồi thường tiền hoa. Ô Lôi nói rằng: "Tôi vốn là kẻ phiêu lạc không nhà chủ, không cha mẹ, thường đi làm thuê gánh mướn kiếm ăn. Vừa rồi có một ông quan buộc ngựa ở cửa thành Nam, ngựa đói khôn có cỏ ăn, có cho tôi năm tiền bảo cắt gánh cỏ. Tôi được tiền lấy làm mừng liền đi cắt, không biết cây lài là vật chi, chắc cũng là cỏ cả. Nay không có gì bồi thường, tôi xin làm đầy tớ để đền nợ hoa". Bèn lưu ở ngoài cửa hơn một tháng, bọn thị tỳ thấy đói khát thương cho ăn uống. Ban đêm Ô Lôi thường ca hát cho người canh cổng nghe, bọn thị tỳ và nấu bếp trong nhà chúa, thấy chàng hát lại nghe và đều nhìn mặt cả, ai nấy đều quên mất tâm chí mà vui nghe tiếng hát. Có một lần trời đã hoàng hôn mà đèn chưa thắp, Quận chúa ngồi mò, gọi tả hữu không có một ai, giận quá bèn gọi về trách tội bỏ trễ công việc hầu hạ, toan nọc xuống đánh. Họ lạy tạ mà rằng: "Có đứa cắt cỏ hát hay quá, chúng tôi mải nghe quên mất cả, đến nỗi như vầy chúa có nọc đánh cũng xin cam chịu tội". Quận chúa cũng làm ngơ không hỏi đến.

Một đêm mùa hè trời nóng nực, chúa cùng các thị tỳ ngồi ngoài sân hóng gió trông trăng bỗng nghe cách bức tường có tiếng hát của Ô Lôi như khúc nhạc ở trên trời đưa xuống chớ chẳng phải tiếng người nữa. Quận chúa bấy giờ say mê, rất vui lòng, bèn cho Ô Lôi vào làm đầy tớ nhà trong để sai vặt và để nghe cho gần, thường bắt chàng ca hát để tả mối tình uất kết. Từ đó Ô Lôi càng ra công hầu hạ quận chúa để mua chuộc lòng yêu, ngày thì hầu bên cạnh, đêm thắp đèn chầu chực, lanh lẹn được việc, hoặc khi chúa sai ca hát thì cất giọng lanh lảnh ra ngoài. Ô Lôi có bài hát cợt gió rằng:
Nhớ gió xưa ở trong trái đất,
Từ hang sâu phất phới bay ra.
Ngày xuân lãng uyển la đà,
Ấy ai đưa lại lân la chốn này,
Vào song bắc vui ngày thái cổ,
Sang đài hè mừng rỡ Tương Vương.
Đưa dương liễu, đón hải đường,
Sầu này gỡ hộ cô nường này đây.
Lại có bài thơ cười trăng:
Tựa bàn ngọc âm tinh là chất,
Mảnh trăng này vốn thật đa đoan.
Đông tây luống những bàng hoàng,
Khi đầy khi thiếu chẳng toàn in nhau.
Mượn ánh sáng bóng câu rực rỡ,
Yêu chị Hằng mà ở trên cao,
Với trời đất mãi sống lâu,
Long lanh một dạ khi nào có nguôi.
Giọng hát của Ô Lôi khiến cho chim cá phải lắng nghe. Quận chúa nhân cảm động thành bệnh sầu tư, trải ba bốn tháng bệnh càng thêm nặng. Các thị tỳ hầu hạ thuộc thang đã lâu mệt quá, một khi đêm khuya ngủ mê, chủ gọi không dậy, chỉ có một mình Ô Lôi ứng chực vào hầu, cái u tình của chúa không ngăn cầm được, nhân bảo rằng: "Cái giọng hát của ngươi làm mê mệt tinh thần ta, làm ta yêu mến đến nỗi như vầy. Vừa rồi ngươi ở giữa sân hát mấy câu mà gió ùn ùn thổi, mây từ từ lại, vật còn như thế huống chi người ru? Vì giọng hát ngươi mà làm ta sinh bệnh nên ta cũng không nề hà gì trên dưới, ngươi nếu thiệt biết chung nghĩa sắt cầm thì không phiền gì đến thày thuốc mà bệnh lành vậy"! Ô Lôi từ chối, chúa lại nói: "Ôi! Ngươi lầm lắm! Lấy cái giọng hơn đời sánh với cái nhan sắt tuyệt thế, sao lại chẳng được mà lại phải bắt ta nói đi nói lại. Ngươi quá câu nệ làm bệnh ta khó lành". Ô Lôi vâng dạ. Quận chúa bèn cùng anh chàng dan díu quên mất cả bên xấu bên đẹp và chẳng đoái tiếc gì nữa. Bệnh dần dần khỏi mà tình ái càng tăng. Quận chúa còn muốn tậu ruộng làm nhà cho tình nhân nhưng anh chàng đáp rằng: "Tôi vốn không có nhà cửa nay gặp chúa chẳng khác gì thiên tiên thực là hạnh phúc, tôi chẳng xin ruộng nương, châu báu vàng bạc gì cả, chỉ xin chúa cho cái mũ tiến triều giát bằng nog.c mà đội thì chết mới nhắm mắt". Cái mũ ấy vốn của Đức tiên đế ban cho để những ngày triều hạ, lễ tất thì đội vào chầu. Vậy mà chúa cũng cho Ô Lôi không tiếc. Ô Lôi được mũ, trốn thẳng về đội vào chầu vua, vua rất mừng bèn ra lệnh vời quận chúa tiến triều rồi sai Ô Lôi đội mũ ngọc vào trước đứng hầu bên cạnh. Vua thấy Quận chúa đến bèn chỉ Ô Lôi mà hỏi rằng: "Nhà ngươi có quen người này chăng"? Quận chúa thẹn thùng vô kể.

Từ đó Ô Lôi nhờ giọng hát được nổi tiếng trong nước. Buổi ấy anh chàng có câu thơ tự vịnh rằng:
Chỉn đà náu đến làm tôi,
Ngộ chữ Thiên phúc để cha Lôi.
Con gái người nhà vương hầu thường chê cười có câu:
Dùng chi mặt mũi cháy mà lem,
Kẻ chộ người quở mấy dèm,
Nhẫn có hoàng kim cùng quốc sắc.
Thấy nàng men đến thử dòm xem.
Dẫu rằng cười cái hình dạng nhưng chung quy bị giọng hát anh ta cám dỗ, tránh không nổi mà thường tư thông với nữa. Ô Lôi cũng lấy giọng hát mình để gợi tình rồi thông gian với con gái người ta. Thiên hạ sợ lệnh vua, không ai dám bắt vì sợ phải bồi tiền. Từ đó Ô Lôi lại tư thông với con gái vương hầu, cũng không ai dám bắt. Sau thông gian với con gái Minh Uy Vương. Vương bắt được nhưng chưa giết. Sáng hôm sau Vương vào chầu quỳ tâu vua rằng: "Đêm qua Ô Lôi vào nhà thần, tối tăm không biết là ai trót đánh chết, vậy số tiền đền bao nhiêu, thần xin nộp"? Vua ngỡ là chết rồi, bèn phán rằng: "Thôi đương đêm không biết là ai đã trót giết đi, không phải đền nữa". Bởi vì Minh Uy Vương là người thân của Thánh hoàng hậu nên vua không bắt tội. Vương về nhà dùng trượng đánh Ô Lôi mà không chết liền bỏ vào cối giã mới chết. Khi sắp chết Ô Lôi có thơ quốc ngữ rằng:
Tử sinh do mệnh quản nài sao?
Nam nhi miễn được chí anh hào
Chết vì thanh sắc cam đành chết
Chết ốm đau nên cơm cháo nào?
Ngày trước Lữ Động Tân có răn rằng giọng hay sắc đẹp một hay một dở cân nhau, nay mới biết là nhiệm.