JFK và cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm diễn ra ngày 1-11-1963


Đánh dấu 40 năm ngày diễn ra cuộc đảo chính tổng thống Ngô Đình Diệm, tuần qua trung tâm lưu trữ an ninh quốc gia Mỹ công bố cuốn băng cassette tư liệu mới.

Cuốn băng ghi lại cuộc họp của nội các tổng thống Kennedy ngày 29-10-1963, hai ngày trước khi diễn ra cuộc đảo chính ở Sài Gòn.

Nó cho thấy các quan chức Mỹ, bao gồm tổng thống Kennedy, đã đánh giá sai khả năng của họ có thể kiềm chế các tướng lính miền Nam thực hiện đảo chính.

Tư liệu mới

Từ đầu thập niên 1990, người ta đã được đọc nội dung tóm tắt cuộc họp của nội các tổng thống Kennedy.

Tuy vậy, đây là lần đầu tiên công chúng rộng rãi được tiếp cận cuộn băng cassette thu giọng các quan chức và tổng thống Mỹ có mặt trong buổi họp ngày 29-10-1963, hai ngày trước khi xảy ra cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm.

Cuốn băng là một phần trong các tư liệu vừa được giải mật, do Trung tâm Lưu trữ an ninh quốc gia Mỹ công bố.

Trung tâm lưu trữ an ninh quốc gia (National Security Archive) là thư viện phi chính phủ lớn nhất thế giới, lưu trữ các tài liệu được giải mật.

Tiến sĩ John Prados, thuộc trung tâm này, là người phụ trách việc sưu tập tư liệu.

Cuộn băng cho thấy Hoa Kỳ đánh giá sai lầm về ảnh hưởng của họ lên các tướng lĩnh tại Sài Gòn

Tiến sĩ John Prados, National Security Archive

"Cuộn băng mới này giúp người ta có một cái nhìn sâu sắc hơn về mức độ liên quan của Mỹ. Tại cuộc họp, các quan chức Mỹ không chỉ bàn việc liệu có nên ủng hộ một chính phủ kế tiếp hay không, mà thảo luận cả việc ở miền nam, lực lượng nào sẽ ủng hộ, phe nào sẽ chống lại đảo chính."

"Cuộn băng cho thấy Hoa Kỳ đánh giá sai lầm về ảnh hưởng của họ lên các tướng lĩnh tại Sài Gòn, Washington cho rằng họ có thể ngăn cuộc đảo chính nếu thôi không muốn nó xảy ra. Đây cũng là bằng chứng trả lời cho câu hỏi Hoa Kỳ dính líu tới mức độ nào vào cuộc đảo chính, bởi vì nếu họ tin mình có thể tạm hoãn đảo chính trong bất kì hoàn cảnh nào thì họ hẳn phải tin là mình hoàn toàn kiểm soát tình hình."

BBC:Cuộn băng có nói gì về vấn đề liệu Washington có quan tâm đến tính mạng của ông Ngô Đình Diệm hay không?

John Prados: Cuộn băng cassette ghi lại cuộc họp cho thấy các quan chức Nhà Trắng hoàn toàn không đề cập đến số phận của Ngô Đình Diệm, họ không nhắc liệu họ muốn hai anh em Diệm-Nhu sống hay chết. Người ta vẫn còn nhớ tổng thống Kennedy đã bày tỏ ông bị sốc khi nghe tin hai anh em Diệm-Nhu bị hạ sát. Theo tôi, sự bày tỏ cú sốc này không phải giả tạo, nó cho thấy tổng thống Kennedy không muốn để ông Diệm chết. Cái vấn đề nằm ở chỗ mặc dù quan tâm đến tính mạng của họ, tổng thống đã không làm gì để bảo đảm điều này khi ông còn có cơ hội để làm.

BBC:Điều này được xác nhận trong cuộc mạn đàm điện thoại cuối cùng giữa ông Diệm và đại sứ Mỹ tại Việt Nam lúc đó, Henry Cabot Lodge?

John Prados: Vâng, kèm theo cuộn băng lần này là biên bản ghi lại cú điện thoại cuối cùng ông Diệm gọi cho Henry Cabot Lodge. Tổng thống Kennedy lẽ ra có thể bảo vị đại sứ của mình là ông ta có nhiệm vụ bảo vệ Diệm và Nhu và ông ta cần sắp xếp để đưa hai anh em ra khỏi miền Nam Việt Nam. Trong cuộc điện đàm, khi ông Diệm hỏi đại sứ Mỹ là thái độ của Mỹ trước cuộc đảo chính đang diễn ra là thế nào, thì Henry Cabot Lodge nói “vào thời điểm này, tôi không đủ thông tin để có thể nói.”

Hai sự kiện

Tập tư liệu do Trung tâm lưu trữ an ninh quốc gia Mỹ công bố lần này bao gồm biên bản các cuộc họp và điện đàm của các quan chức Mỹ trong thời gian trước khi xảy ra đảo chính.

Nó tập trung vào hai giai đoạn, thứ nhất là tháng Tám-1963.

Giai đoạn này xảy ra chi tiết mà sau này trở nên nổi tiếng trong nội bộ chính phủ Mỹ, khi một viên chức bộ ngoại giao gửi bức điện, bật đèn xanh cho các tướng miền Nam. Tuy vậy, cuộc đảo chính lúc này chưa diễn ra.

Một giai đoạn khác mà tập tư liệu lần này tập trung vào là những buổi họp của Tòa Bạch Ốc trong tháng Mười, khi diễn ra những chuẩn bị cuối cùng trước khi thật sự có đảo chính.

Một trong những chi tiết rõ ràng thấy được từ những tư liệu người ta có về những ngày trước khi diễn ra đảo chính, đó là Washington không biết gì nhiều về những người trực tiếp làm đảo chính, không biết kế hoạch của họ.

Thái độ của các quan chức chống Diệm ở Washington lúc đó là chỉ cần có thay đổi thì đã tốt đẹp hơn. Có vẻ họ không cân nhắc gì nhiều đến việc ai sẽ lên nắm quyền sau đảo chính.

40 năm nhìn lại, sự hậu thuẫn của Washington trong cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm có một hiệu ứng lớn nhất, đó là nó khiến Washington dấn sâu hơn vào cuộc chiến tại Việt Nam.

Nói như lời tiến sĩ John Prados, khi đã nhúng tay vào đảo chính, Mỹ lại có thêm trách nhiệm với các chính thể nối tiếp tại miền Nam Việt Nam.