Thành Bắc Kinh Do Người Việt Xây
Tác giả: Hà Nhân Văn


Tờ báo tên Chính Luận, số 318, tuần lễ từ ngày 7 tháng 2 năm 2003 cho đến ngày 14 tháng 2 năm 2003.

Tựa: Niềm Hãnh Diện Của Dân Tộc Việt - Cụ Nguyễn An Xưa Vẽ Kiểu Và Xây Dựng Bắc Kinh
Tác giả: Hà Nhân Văn


Khách du lịch đến Bắc Kinh thường nhận được một quyển tập "brochure" về thủ đô vĩ đại của Trung Quốc. Bắc Kinh ngày nay hẳn là khác xưa nhiều lắm. Bà Hoàng Thị Mẫn ở Bắc Kinh đã trên 60 năm, gốc người Bắc Ninh, Việt-Nam. Bà Mẫn nói rằng mới chỉ 10 năm nay thôi, Bắc Kinh 2000 đã khác rất nhiều Bắc Kinh năm 1990. Bà Hoàng đầy tự hào nói: "Người Việt ta dựng nên Bắc Kinh này đấy. Người Việt ta nên hãnh diện lắm. Ông nhà tôi nói rằng do ông Nguyễn An đời Minh dựng nên kinh thành tráng lệ này." Muốn cho sự tự hào và lời nói của mình "nói có sách, mách có chứng" bà Hoàng giới thiệu "ông nhà tôi đây là giáo sư Sử Học Đại Học ở đây đã 30 năm, về hưu lâu rồi, ông có tài liệu về ông Nguyễn An xây thành Bắc Kinh."

Nếu cứ nói "chơi chơi" hẳn là người Việt ta cho là "thấy sang bắt quàng làm họ." Nếu đọc sử do người Việt viết ra sẽ cho rằng ta giầu tưởng tượng, người Tàu thiếu gì họ Nguyễn. Người Việt ta có thứ bệnh kinh niên "bụt chùa nhà không thiêng." Xin thưa, quý vị nào đọc được Hoa ngữ tức Hán tự chỉ cần "vân du" đến Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, đến phân bộ Trung Hoa cùng một phòng đọc sách tráng lệ và rất sang trọng với kho sách Việt-Nam và Đông Nam Á. Nhân viên trực lịch sự lắm, sẵn sàng giúp độc giả tìm kiếm sách. Xin hỏi mượn tài liệu về danh nhân "Trung Quốc" Nguyễn An, có khoảng 5, 6 tài liệu về danh nhân này. Xin hởi mượn tập "Trung-Việt Quan Hệ Sứ Luận Tập" xuất bản tại Đài Bắc, tác giả là Trương Tú Dân đã viết khá rõ về Nguyễn An. Thư viện quốc gia ở Đài Bắc có mấy tài liệu về Nguyễn An như Ích Thế Báo, số ra ngày 11-11-1947, viết về Nguyễn An (trang 115 - 118). Hoặc quý vị nào ghé vào kho sách Việt-Nam (cùng phòng với kho sách Tàu) hỏi mượn bộ "Lê Quý Đôn Toàn Tập" tập 2 Kiến Văn Tiểu Lục. Bộ sử "Anh Thông Chính Thống Thực Lục" (sử Trung Quốc) chép tường tận hơn.

Bộ sử này cho biết Nguyễn An là người Giao Chỉ, có tên Tàu là A Lưu. Sách "Những Gương Mặt Trí Thức" tập 2 trang 100 - 102, trích dịch một đoạn nguyên văn từ bộ sử kể trên, đem đối chiếu với các bản Hán văn thì bản dịch này thật sát nghĩa với nguyên văn. Tôi chép ra đây để quý đồng hương dùng làm tài liệu giáo dục cho con em về sự tự hào dân tộc ta. Nếu không nói ra cho rõ với sử liệu của Trung Hoa, chắc có người nghi ngờ là có lẽ đâu người Việt lại vẽ và xây cung điện Bắc Kinh.

Thi hào Khuất Nguyên mà văn học Trung Quốc rất tự hào với khúc Ly Tao thì Khuất Nguyên là dân Sở Việt. Danh nhân Trung Quốc hiện đại là Tôn Dật Tiên và Lương Khải Siêu là người Việt Đông (dân Hẹ hay Hakha). Nguyễn An là người Lạc Việt ta. "Anh Thông Chính Thống Thực Lục" chép như sau:

"Nguyễn An còn có tên là A Lưu, người Giao Chỉ. Năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407) Trương Phụ bình Hồ Quý Ly ở Giao Chỉ, mang theo về những em trai mỹ tú, chọn để hoạn (làm thái giám). Nguyễn An, Phạm Hoằng và Vương Cần là những người trong số đó. Nguyễn An có tài nghệ, giỏi mưu mẹo tính toán, càng giỏi về xây dựng, thổ mộc. Theo lệnh của Thành Tổ (Minh Thành Tổ, vua nhà Minh 1403 - 1424) tạo dựng thành trì, triều miếu, cung điện Bắc Kinh cùng phủ thự, trăm ty, ngàn cửa, muôn nhà, thânh hành thiết kế, tự tay vạch vẽ. Các thợ bộ công chỉ việc làm theo những gì đã được định sẵn mà thôi. Năm Chính Thống thứ hai (1437) An được lệnh xây dựng lầu thành chín cửa kinh sư. Tháng 4 năm Chính Thống thứ 4 (1439) hoàn thành. Khi lệnh ban ra, thị lang bộ Công (một chức quan coi về xây cất) nói bóng gió rằng: "Khối lượng công việc lớn, không huy động được 18 vạn (người) không xong, chi phí về các thứ vật liệu phải đủ dùng". Vua liền sai An chủ trì công việc. An lấy hơn vạn binh sĩ đang tập trung luyện tập ở kinh sư, cho họ ngưng luyện tập để bắt tay vào việc, cấp lương hậu, có làm có nghỉ. Mọi chi phí vật liệu đều xuất của công, các ty không can dự, trăm họ không bị quấy nhiễu mà công việc hoàn thành.

Tháng 3 năm Chính Thống thứ 5 (1440) An lại được lệnh xây ba điện, huy động 7 vạn thợ khởi công xây dựng. Tháng 10 năm Chính Thống thứ 6 (1441) ba điện Phụng Thiên, Hoa Cái, Cẩn Thân và hai cung Càn Thanh, Khôn Ninh hoàn thành, (nhà vua) thưởng cho An 50 lạng vàng, 100 lạng bạc, 8 tấn lúa, 1 vạn quan tiền.

Tường thành Bắc Kinh ban đầu bên ngoài xây gạch, bên trong đấp đất, hề mưa là sụt. Tháng 10 năm Chính Thống thứ 10 (1445) lại sai An đốc công xây dựng. An còn trị thủy ở các sông Tắc Dương, thôn Dịch, thân hành đào đắp, công trình rất lớn. Năm Chính Thống thứ 14 (1449), An được lệnh đi tuần tra đường thủy kênh đào từ Thông Châu đến Nam Kinh. Sông Trương Thu ở Sơn Đông vỡ đê, tu sửa mãi không xong. Đời Cảnh Thái (1450 - 1456) An lại được lệnh đến đó để trị thủy rồi mất ở dọc đường. An là người hết lòng vì công việc, tận tụy, cần mẫn, thanh bạch, liêm khiết, bình sinh những thứ được ban thưởng cùng của riêng đều nộp vào kho công."

Nhà sử học Trương Tú Dân nếu còn sống, năm nay cụ đã 96 tuổi. Từng làm việc tại Thư Viện Bắc Kinh, cụ có dịp sưu khảo về danh nhân Nguyễn An. Cụ Dân chạy qua Đài Bắc tập trung tài liệu viết về Nguyễn An thành sách (như trên đã dẫn), sau tờ Ích Thế Báo đăng lại với các tiêu đề:

"Thị dân Bắc Kinh nên kỷ niệm Nguyễn An, người An Nam, thái giám nhà Minh. Nguyễn An, tổng công trình sự tạo dựng cung điện, lầu thành Bắc Kinh thế kỷ XV"; "Nguyễn An, một nhà kiến trúc thiên tài Việt-Nam"; "Khảo Cứu Về Nguyễn An, người Giao Chỉ, thái giám đời Minh, tạo dựng thành Bắc Kinh"; "Việc tạo dựng Bắc Kinh của thái giám Nguyễn An".

Nguyễn An - A Lưu đến Trung Quốc vào năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407) là một trong số trẻ em trai mỹ tú của Giao Chỉ do Trương Phụ đưa về Nam Kinh để hoạn (thiến) sau khi bình Giao Chỉ. Năm Vĩnh Lạc thứ 14 (1416) theo lệnh của Minh Thành Tổ (1403 - 1424) tạo dựng thành trì, cung điện Bắc Kinh cùng phủ thự trăm ty. Đến thán 12 năm thứ 18 (1420) cung điện, đền miếu hoàn thành. Quy chế tuy phỏng theo Nam Kinh nhưng vượt xa về hoành tráng và vẻ đẹp. Một thanh niên trạc hai, ba mươi tuổi được lệnh tạo dựng công trình to lớn như vậy, mà sơ bộ hoành thành chỉ trong thời gian ngắn ngủi bốn, năm năm có thể thấy rõ lòng tận tâm với chức vụ và sức sáng tạo của con người to lớn đến chừng nào. Nếu là ngày nay, thật không biết phải cần đến mấy ngàn công trình sư thiết kế và đồ án cho công trình này, còn An một mình vẫn dư sức làm công việc đó. Điều đó chứng tỏ An có tài bẩm sinh về suy xét, tính toán, há chẳng phải là thiên tài trong lịch sử kiến trúc sao! Đến nỗi bộ Công thời đó cũng như xưởng xây dựng bao thầu, các quan bộ Công cũng như các đốc công trông coi công việc, mọi quy hoạch đều làm theo lệnh An mà Thôi.

Nguyền An là một hoạn quan thái giám. Sử gia Trương Tú Dân ca tụng:

"Hoạn quan là chế độ tội ác của thời đại phong kiến nước ta. Từ xưa đến nay, người tốt trong hoạn quan trăm ngàn người không được một. Còn An hết lòng vì công việc, thanh bạch, liêm khiết, khắc khổ, khi lâm chung không có nén vàng nào trong túi, là một con người cao thượng, chỉ để lại công đầu ở Bắc Kinh. Nguyễn An là người kiệt xuất trong hoạn quan, công với quốc gia không thể phai mờ. Ngày nay tên Tam Bảo thái giám, đàn bà trẻ con đều tỏ tường, còn tên nhà đại kiến trúc Nguyễn An - A Lưu thì ngay học giả, chuyên gia ít ai hay biết. Thật bất hạnh thay. Tôi nghĩ, với An không chỉ riêng giới công trình đáng ngưỡng mộ mà thị dân Bắc Kinh cũng nên uống nước nhớ nguồn, kỷ niệm chớ quên."

Thật là vinh hạnh cho tất cả dân tộc Việt-Nam.


Hà Nhân Văn