Tình Thế Nước Nam Từ Năm Giáp Tuất Về Sau


1. Văn-Thân nổi loạn ở Nghệ-tỉnh
2. Giặc ở Bắc-kỳ
3. Sự giao-thiệp với Tàu
4. Tình-thế nước Tàu
5. Sự giao-thiệp với nước Pháp


1. Văn-Thân nổi loạn ở Nghệ-Tĩnh.

Nhờ có ông Philastre và ông Nguyễn văn Tường thu xếp việc Bắc-kỳ vừa xong, thì ở mạn Nghệ-tĩnh có loạn.

Nguyên lúc bấy giờ dân trong nước ta chia ra làm hai phái: bên lương, bên giáo; hai bên vẫn không ưa nhau. Đến khi xảy ra việc đại-úy Francis Garnier lấy Hà-nội, bọn sĩ phu ở mạn Nghệ-tĩnh thấy giáo-dân có nhiều người theo giúp ông ấy, thì lấy làm tức giận lắm, bèn rủ nhau nổi lên đánh phá.

Tháng giêng năm Giáp-Tuất (1874), là năm Tự-đức thứ 27, đất Nghệ-an có hai người tú-tài là Trần Tấn và Đặng như Mai hội-tập cả các văn- thân trong hạt, rồi làm một bài hịch gọi là " Bình Tây sát tả ", đại lược nói rằng " Triều-đình dẫu hòa với với Tây mặc lòng sĩ-phu nước Nam vẫn không chịu, vậy trước nhất xin giết hết giáo-dân, rồi sau đánh đuổi người Tây cho hết, để giữ lại cái văn-hóa của ta đã hơn 1000 năm nay, v. v..." Bọn Văn- thân cả thảy độ non hơn ba nghìn người, kéo đi đốt phá những làng có đạo.

Nước ta mà không chịu khai-hóa ra như các nước khác là cũng bởi bọn sĩ-phu cứ giữ thói cũ, không chịu theo thời thế mà thay đổi. Nay sự suy-nhược của mình đã sờ sờ ra đấy, thế mà vẫn cứ không chịu mở mắt ra mà nhìn, lại vì sự tức giận một lúc mà việc nông-nỗi càn-rỡ, để cho thiệt hại thêm, như thế thì cái tội trạng của bọn sĩ-phu đối với nước nhà chẳng to lắm ru!

Lúc bấy giờ quan tổng-đốc Nghệ-an là ông Tôn thất Triệt lại có ý dung-túng bọn Văn-thân, cho nên họ càng đắc thế càng phá dữ. Triều-đình thấy vậy, mới truyền bắt quan quân phải dẹp cho yên. Bọn Văn-thân thấy quan quân đuổi đánh, bèn cùng với bọn giặc Trần quang Hoán, Trương quan Phủ, Nguyễn huy Điển đánh lấy thành Hà-tĩnh, rồi ra vây phủ Diễn-châu.

Triều-đình thấy thế giặc càng ngày càng to, bèn sai ông Nguyễn văn Tường ra làm khâm-sai và ông Lê bá Thận làm tổng-thống, đem quân ra đánh dẹp, từ tháng 2 đến tháng 6 mới xong.


2. Giặc ở Bắc-kỳ.

Thuở ấy ở mạn Thượng-du đất Bắc-kỳ lúc nào cũng có giặc, quan quân đánh mãi không được, phải nhờ quân Tàu sang đánh giúp cũng không xong.

Mạn Hải-dương và Quảng-yên thì vẫn có những người mạo xưng là con-cháu nhà Lê, cứ quấy-rỗi mãi. Khi Francis Garnier ra lấy Hà-nội, những người ấy về xin theo đi đánh quân ta, nhưng vì sau nước Pháp trả lại các tỉnh ở Bắc-kỳ, họ lại tản đi. và từ khi nước ta và nước Pháp đã ký hòa-ước rồi, quan Pháp có đem binh-thuyền đi đánh giúp, cho nên mới diệt được đảng ấy.

Còn ở mạn Tuyên-quang, thì có giặc cờ vàng nhũng-nhiễu đã lâu. Quan quân phải đánh dẹp mãi không được. Đến tháng 8 năm Ất-Hợi (1875), là năm Tự-đức thứ 28, tướng cờ vàng là Hoàng sùng Anh đem quân về đóng ở làng Châu-thượng, thuộc phủ Vĩnh-tường. Bấy giờ quan quân tán-dương quân-vụ tỉnh Sơn-tây là Tôn thất Thuyết về đánh một trận. Giặc ấy từ đó tan dần.

Năm sau Tôn thất Thuyết lại giết được tên giặc Trận ở làng Cổ-loa, và dẹp yên được ở mạn Sơn-tây. Nhưng đến năm Mậu-Dần (1878), ở Lạng-sơn lại có tên giặc Khách là Lý dương Tài nổi lên.

Lý dương Tài trước làm quan hiệp-trấn ở Tầm-châu, thuộc tỉnh Quảng-tây, sau bị cách mới nổi lên làm giặc và đem quân tràn sang đánh lấy tỉnh Lạng-sơn. Quan ta đem thư sang cho quan Tàu biết. Quan đề-đốc Quảng-tây là Phùng tử Tài đem quân 26 doanh sang cùng với quân ta hội-tiễu. Đến tháng 9 năm Kỷ-Mão (1879), quan quân mới bắt được Lý dương Tài ở núi Nghiêm-hậu thuộc tỉnh Thái-nguyên đem giải sang Tàu.

Vì đất Bắc-kỳ cứ có giặc giã luôn cho nên Triều-đình đặt ra chức Tĩnh-biên-sứ để giừ các nơi về đường ngược. Năm Canh-Thìn (1880), đặt ra Lạng-giang-đạo và Đoan-hùng-đạo sai hai viên Tĩnh-biên phó-sứ là Trương quang Đản đóng ở Lạng-giang và Nguyễn hữu Độ đóng ở Đoan-hùng, lại phong cho Hoàng kế Viêm là Tĩnh-biên-sứ, kiêm cả hai đạo.


3. Sự giao-thiệp với Tàu.

Nước ta từ xưa đến nay tuy là độc-lập, nhưng vẫ giữ lệ triều-cống nước Tàu, lấy cái nghĩa rằng nước nhỏ phải tôn-kính nước lớn. Cho nên khi chiến-tranh, dẫu ta có đánh được Tàu đi nữa, thì rồi nhà nào lên làm vua cũng phải theo cái lệ ấy, mà đời nào cũng lấy điều đó làm tự-nhiên vì rằng triều-cống cũng không tổn hại gì mấy, mà nước vẫn độc-lập và lại không hay có việc lôi-thôi với một nước láng-giềng mạnh hơn mình. Bởi vậy hễ vua nào lên ngôi, cũng chiếu lệ sai sứ sang Tàu cầu phong, và cứ ba năm sai sứ sang cống một lần.

Các vua đời nhà Nguyễn cũng theo lệ ấy, nhưng các đời vua trước thì vua phải ra Hà-nội mà tiếp sứ Tàu và thụ phong cho. Đến đời vua Dực-tông thì sứ Tàu vào tại Huế phong vương cho ngài.

Còn những cống phẩm thì cứ theo lệ, mà thường chỉ đưa sang giao cho quan Tổng-đốc Lưỡng-Quảng để đệ về Kinh, chứ không mấy khi sứ ta sang đến Yên-kinh. Trong đời vua Dực-tông thì sử chép rằng năm Mậu-Thìn (1868), có ông Lê Tuấn, ông Nguyễn tư Giản và ông Hoàng Tịnh sang sứ Tàu. Năm Quý-Dậu (1873), lại có các ông Phan sĩ Thục, ông Hà văn Khai, và ông Nguyễn Tu sang sứ Tàu, để bày tỏ việc đánh giặc Khách ở Bắc-kỳ.

Từ năm Giáp-Tuất (1874) trở đi, Triều-đình ở Huế đã ký tờ hòa-ước với Pháp, công nhận nước Nam độc-lập, không thần-phục nước nào nữa, nhưng lúc bấy giờ vì thế bất-đắc-dĩ mà ký tờ hòa-ước, cứ trong bụng vua Dực-tông vẫn không phục, cho nên ngài vẫn cứ theo lệ cũ mà triều-cống nước Tàu, có ý mong khi hữu sự, nước Tàu sang giúp mình. Bởi vậy năm Bính-Tý (1876), vua Dực-tông sai ông Bùi ân Niên tức là ông Bùi Dỵ, ông Lâm Hoành và ông Lê Cát sang sứ nhà Thanh. Năm Canh-Thìn (1880), lại sai ông Nguyễn Thuật, Trần Khánh Tiên, Nguyễn Hoang sang Yên-kinh dâng biểu xưng thần và các đồ cống-phẩm. Năm sau, Triều-đình nhà Thanh sai Đường đình Canh sang Huế bàn việc buôn-bán và lập cuộc chiêu thương, chủ ý là để thông tin cho chính phủ Tàu biết mọi việc bên nước ta.

Một bên đã hòa với nước Pháp, nhận theo chính-lược ngoại-giao của nước Pháp mà độc-lập (1), một bên cứ triều-cống nước Tàu, có ý để cầu viện, bởi thế cho nên chính phủ Pháp lấy điều đó mà trách Triều-đình ta vậy.


4. Tình-thế nước Tàu.

Xưa nay ta vẫn công nhận nước Tàu là thượng-quốc và vẫn phải lệ triều-cống. Hễ khi nào trong nước có việc biến- loạn và vẫn trông mong nước Tàu sang cứu-viện. Không ngờ từ thế-kỷ thứ XIX trở đi, thế lực các nước bên Tây-âu mạnh lên, người phương Tây đi lược địa rất nhiều, mà tình thế nước Tàu thì rất là suy-nhược. Năm Đạo-quang thứ 19 (1839) tức là năm Minh-mệnh thứ 20 bên ta, vì việc cấm thuốc nha-phiến ở Quảng-đông thành ra có chiến-tranh với nước Anh-cát-lợi. Quân nước Anh đánh phá thành Ninh-ba, Thương-hải, v. v. Vua Đạo Quang phải nhận những điều hòa-ước năm Nhâm-Dần (1842) làm tại Nam-kinh, nhường đảo Hương-Cảng cho nước Anh và mở những thành Quảng-châu, Hạ-môn, Phúc-châu, Ninh-ba và Thương-hải ra cho ngoại quốc vào buôn-bán.

Cuộc hòa-ước ở Nam-kinh định xong, các nước ngoại-dương vào buôn-bán ở nước Tàu và đặt lĩnh-sự ở Quảng-châu, Ninh-ba, Thương-hải, v. v. Đến năm Hàm-phong thứ 8 (1858), tức là năm Tự-đức thứ 11, nước Anh và nước Pháp ký tờ hòa-ước với nước Tàu, đặt sứ-thần ở Bắc-kinh. Đoạn nước Tàu có điều trái ước, gây thành việc chiến-tranh với hai nước ấy. Quân nước Anh và nước Pháp đánh lấy hải-khẩu, rồi kéo lên đánh lấy Bắc-kinh. Vua Hàm-phong phải nhận những điều hòa-ước năm Canh-Thân (1860) làm tại Thiên-tân.

Từ đó nước Tàu bị các nước khác sách-nhiễu mọi điều và bị đè nén nhiều cách. Lúc ấy nước Tàu chẳng khác gì cái nhà lớn đã bị hẩm-nát sắp đổ, mà ta vẫn không tỉnh ngộ, cứ mê-mộng là nước ấy còn cường thịnh, có thể giúp ta được trong khi nguy-hiểm. Bởi vậy khi quân nước Pháp đã lấy Bắc-kỳ rồi, người mình còn trông cậy ở quân cứu-viện của nước Tàu. Phương-ngôn ta có câu rằng "Chết đuối vớ phải bọt" thật là đúng lắm. Nếu người Tàu có đủ thế lực cứu được ta, thì trước hết họ hãy cứu lấy họ đã. Nhưng lúc bấy giờ từ vua quan cho chí bọn sĩ-phu trong nước ta, ai là người hiểu rõ cái tình-thế ấy? Cho nên không những là ta không chịu cải cách chính thể của ta cho hợp thời mà lại còn làm những điều ngang-ngạnh để cho chóng hỏng việc. Ấy cũng là cái vận nước chẳng may, song những người đương lộ lúc ấy cũng không so tránh được cái lỗi của mình vậy.


5. Sự giao-thiệp với nước Pháp.

Từ khi ông Philastre ra điều- đình mọi việc ở Bắc-kỳ xong rồi, ông Rheinart ra thay ở Hà-nội, đợi cho đến ngày ký hòa-ước thì chiếu mọi khoản mà thi hành. Ông Rheinart ở được mấy tháng, rồi về lại Sài-gòn, giao quyền cho lục-quân thiếu-tá Dujardin (La-Đăng). Thiếu-tá có đem binh-thuyền giúp quan ta đi đánh giặc ở mạn Hải-dương và Quảng-yên.

Đến khi tờ hòa-ước và tờ thương-ước đã ký xong thì Triều-đình sai ông Nguyễn tăng Doãn ra Bắc-Kỳ để cùng thiếu-tá Dujardin chọn đất ở Hà-nội và ở Ninh-hải (Hải-phòng) để làm dinh làm trại cho quan quân nước Pháp đóng, và lại sai quan thượng-thư bộ Hộ là ông Phạm phú Thứ ra làm Hải-an tổng-đốc sung chức tổng-lý thương-chánh đại-thần, cùng với ông Nguyễn tăng Doãn và ông Trần hi Tăng bàn định việc thương-chánh ở Bắc-Kỳ.

Tháng 6 năm Ất-Hợi (1875) chính phủ nước Pháp sai ông Rheinart sang làm khâm-sứ ở Huế, ông Truc làm lĩnh-sự ở Hải-phòng, và ông Kergaradec (Kê-la-đích) làm lĩnh-sự ở Hà-nội. Triều-đình sai ông Nguyễn thành Ý vào làm lĩnh sự ở Sài-gòn.

Ông Rheinart ở Huế đến tháng 10 năm Bính-Tý (1876), thì cáo bịnh xin về, ông Philastre ra thay.

Triều-đình lúc bấy giờ cũng đã hiểu rằng hễ không theo tân-học thì không tiến-hóa được, cho nên mới định cho người đi du học. Năm Mậu-Dần (1878), bên Pháp có mở hội vạn quốc đấu-xảo ở Paris, vua sai ông Nguyễn thành Ý và ông Nguyễn tăng Doãn đem đồ đi đấu-xảo và cho người sang học ở Toulon.

Nhưng vì năm Tân-Tỵ (1881), Triều-đình lại sai quan Lễ-bộ thị-lang là Phạm Bính sang Hương-cảng, đem 12 đứa trẻ con đi học ở trường Anh-cát-lợi, rồi lại sai sứ đi sang Tiêm-la và sang Tàu mà không cho sứ-thần nước Pháp biết, bởi vậy chính-phủ Pháp lấy những điều đó mà trách Triều-đình ở Huế không theo hòa-ước năm Giáp-Tuất (1874).

Khi ông Philastre còn ở Huế, vì ông ấy là một người công chính và lại có học chữ Nho, cho nên Triều-đình ta trọng-đãi và có điều gì trang-trải cũng còn dễ. Từ năm Kỷ-Mão (1879) về sau, ông ấy về Pháp rồi, sự giao- thiệp càng ngày càng khó thêm: phần thì vì người mình không biết cách giao thiệp với ngoại-quốc, phần thì cái quyền-lợi nước ta và nước Pháp lúc bấy giờ tương-phản với nhau, cho nên hai bên không có lòng tin-cậy nhau, thành ra sự giao-thiệp không được thân-thiết lắm.

Vả về sau, sự cai-trị ở Nam-kỳ đã thành nếp, giặc giã đã yên cả; ở bên Pháp thì thế lực đã mạnh, và đã có nhiều người bàn đến việc bên Viễn-đông này và việc bảo-hộ ở Bắc-kỳ. Lại nhân có những nước I-ta-ly. I-pha- nho, Anh-cát-lợi và Hoa-kỳ muốn sang thông-thương với nước Nam, mà có ý không muốn chịu để quan nước Pháp phân-xử những việc can-thiệp đến người những nước ấy. Bởi vậy nước Pháp muốn lập hẳn cuộc bảo-hộ để cho khỏi mọi sự lôi thôi, bèn bỏ lệ đặt quan hải-quân khiêm lĩnh chức thống-đốc ở Nam-kỳ, mà sai quan văn sang sung chức ấy để trù-tính mọi việc.

Tháng 6 năm Kỷ-Mão (1879), viên thống đốc mới là ông Le Myre de Vilers sang nhận chức ở Sài-Gòn và ông Rheinart lại sang làm khâm-sứ ở Huế để thay cho ông Philastre.

Bắc-kỳ thì người Pháp đã ra vào buôn-bán, nhưng vì quan ta không biết lo sự khai hóa, việc thông thương không được tiện-lợi, và ở mạn thượng-du thì có quân cờ đen tuy là mượn tiếng theo lệnh quan ta, nhưng kỳ thực chúng nó làm gì cũng không ai ngăn cấm được. Bởi vậy, chính-phủ Pháp mới lấy những điều đó mà trách quan ta và sai quan đem quân ra Bắc- kỳ, lấy cớ nói ra mở mang sự buôn-bán, kỳ thực là ra kinh-doanh việc ở vùng ấy.


Ghi chú:

(1) Tờ hòa ước năm Giáp Tuất 1874