Truyện con ngỗng vàng




Thanh Hải Vô Thượng Sư kể tại Thiền thất Quốc tế , Cam Bốt ,
ngày 13 tháng 5 , 1996 (nguyên văn tiếng Anh) Băng thâu hình số 546


Ðây là câu truyện con ngỗng vàng , tôi nghĩ đây là tiền kiếp của Ðức Phật.


Hồi xưa lâu lắm rồi , có một ông vua . Tên của ông ta là Bahuputtaka . Tên này thật ra có nghĩa là "cha của nhiều đứa con". Hoàng hậu tên là Khema . Hai người trị vì xứ Benares . Benares là một trong những thành phố thiêng liêng bên Ấn Ðộ .

Một hôm hoàng hậu Khema nằm mơ thấy một con ngỗng vàng nói chuyện khôn ngoan như một nhà hiền triết . Bà nói với vua rằng bà hết sức ao ước được gặp và nghe con ngỗng tuyệt vời ấy . Nhà vua sau đó hỏi tin tức thì được biết có loài ngỗng vàng như vậy , nhưng loại này rất hiếm , không dễ gì tìm thấy . Người ta nói trong vương quốc muốn tìm loại ngỗng này là một điều rất khó . Tuy vậy họ vẫn tìm cho bằng được . Thế là nhiều hầu cận của vua được gửi đi tìm loại ngỗng này , mà nghe nói là sống ở gần một cái hồ nào đó rất xa .

Họ cũng dùng thợ săn cố gắng tìm mấy con này mà đem về thành phố Benares . Nhiều người cũng khuyên vua hãy làm một cái hồ gần thành phố để dụ những con ngỗng này bay đến sống gần hồ .

Lúc đó , nhiều con ngỗng đang sống trên rặng Cittakuta . Ngỗng chúa tên là Dhatarattha . Và ngỗng chúa Dhatarattha này là một con chim đẹp tuyệt trần , có lông vàng óng ả . Chà ... (Sư Phụ nói đùa) Tên này mời phiền não đến đây !

Thời gian trôi qua , một cái hồ lớn được thành hình tại Benares , và nhà vua đặt tên hồ là Khema , tên của hoàng hậu . Cây trổ bông trên cành , hoa trên mặt đất , các loại bách thảo đẹp hiếm thấy , tất cả trồng ở chung quanh hồ nước . Thêm vào đó còn có hoa sen , những loại rau và bông hoa mọc trên mặt nước . Rồi mỗi ngày , người ta tới rải ngũ cốc gọi chim muông . Sau đó người đưa tin cho vua , một trong những người hầu cận , nói lớn lên rằng : "Vua Benares mời tất cả chim chóc hãy đến đây sống trong hòa bình bên hồ nước đẹp này ! Họ sẽ được bảo vệ bởi lệnh của vua và lính của vua".

Tin về cái hồ này đến tai những con ngỗng hoang trên rặng Cittakuta . Chúng đi đến chỗ con ngỗng vàng , nói rằng : "Thưa Ngài ! Vua Benares vừa mới xây xong một cái hồ lớn đầy hoa thơm , cỏ lạ , gần thành phố . Ông bảo đảm là sẽ bảo vệ tất cả những con chim nào đến đó ở . Chúng ta đã chán sống trên núi này và không muốn phải tự kiếm ăn cực khổ".

Nghe vậy con ngỗng vàng , chúa tể của bầy ngỗng , đồng ý lời đề nghị của những con kia . Sau đó , nó cùng với một số ngỗng trong đàn cất cánh bay về phía Benares .

Nhà vua ra lệnh cho các thợ săn ngày đêm canh chừng bên hồ nước . Ông dặn họ rằng nếu thấy một con ngỗng vàng đến gần nước là phải bẫy nó liền . Người trưởng nhóm thợ săn cùng với các tay sai vây quanh hồ suốt ngày suốt đêm , chờ dịp bắt con ngỗng vàng kia .

Một sáng sớm nọ , ông ta thấy một đàn ngỗng rất đông và một con lớn hơn màu vàng có lông óng ánh dưới nắng mặt trời , đang bay về phía hồ nước . Người thợ săn nhanh nhẹn đặt một cái bẫy ở giữa đám hoa súng và hoa sen . Ông biết con ngỗng vàng kia là con đầu đàn , thế nào nó cũng đáp xuống nước trước .

Như một đám mây trắng dầy đặc , 90 ngàn con ngỗng sà xuống phía mặt hồ . Con ngỗng vàng vừa đặt chân xuống nước thì lập tức hai chân lọt vào bẫy . Thấy chim chúa mắc bẫy , bầy ngỗng lượn vòng quanh , kêu quang quác một cách phẫn uất , nhưng không con nào đủ can đảm để cứu con ngỗng chúa kia . Tất cả bay lên quay về phía rặng Cittakuta ẩn náu . Sumukha , trưởng đàn ngỗng , một mình ở lại với ngỗng chúa .

Ngỗng vàng quay lại nói với chim trưởng rằng : "Những con ngỗng kia bay đi hết rồi ,

Sumukha ! Họ đã bỏ ta lại không một chút ngại ngùng . Ngươi còn đợi gì nữa ở đây ? Hãy bay mau , khi ngươi hãy còn cơ hội . Nếu ở lại đây , ngươi cũng sẽ bị bắt luôn".

Sumukha , trưởng đàn ngỗng , có lẽ là người hầu cận của ngỗng chúa , phong nhã ngồi trên mặt nước cạnh vua , đáp lời : "Tôi sẽ không bao giờ rời ngài , hỡi Ngỗng Hoàng . Bây giờ hiểm họa sắp xảy ra , tôi sẽ sống chết bên ngài".

Trong lúc hai người đang nói chuyện thì ông thợ săn trưởng tiến tới gần hồ nước . Sumukha quyết định phải ráng làm mềm lòng người thợ này mới được . Nó bay tới chỗ ông , van xin ông hãy thả con ngỗng vàng được tự do . Người thợ săn kinh ngạc trước vẻ đẹp cao sang của con chim vàng , bèn hỏi : "Các bạn của ngươi đã bay đi hết , hỡi con ngỗng thánh thiện kia . Ngươi không trông thấy cái bẫy từ đàng xa hay sao ?"

Ngỗng vàng đáp : "Khi đời sắp sửa dứt và sự chết cận kề , tranh đấu trước định mệnh cũng vô ích mà thôi ; cho nên tôi đã không nhìn thấy cái bẫy".

Người thợ săn hết sức thán phục trí huệ của con ngỗng vàng này . Ông cất tiếng hỏi Sumukha : "Còn ngươi sao cũng ở lại một mình ? Những con ngỗng khác đã bay mất . Ngươi được tự do mà vẫn ở cạnh con chim cao cả này . Nó là ai mà ngươi không bỏ đi trong giờ phút khẩn cấp ?"

Sumukha đáp : "Vị đó là vua của tôi , người đồng hành và cũng là bạn của tôi . Tôi sẽ không bao giờ bỏ rơi người đó dù có phải hy sinh tánh mạng".

Nghe vậy , ông thợ săn nghĩ : "Hai con ngỗng này quả thật can đảm và cao thượng . Nếu ta hại họ , thánh thần sẽ trừng phạt ta . Ta cần phần thưởng của vua để làm chi ? Ta sẽ thả chúng ra". Ông nói với Sumukha rằng : "Ngươi sẵn sàng chết vì tình bạn nên ta sẽ thả vị vua và đồng bạn của ngươi được tự do . Hãy bay đi bất cứ nơi đâu".

Một cách nhẹ nhàng , ông tháo chân ngỗng vàng ra khỏi cái bẫy , dùng nước trong veo dưới hồ rửa sạch sẽ vết thương cho hết máu . Ông chỉnh lại bắp thịt và gân cho hết bị trật , rồi bằng một phép mầu , bàn chân lành lặn trở lại , không một dấu vết gì cho thấy là nó vừa bị bẫy .

Sumukha sung sướng vô cùng sau khi thấy ngỗng chúa được tự do , nói với người thợ săn : "Chúc ông và gia đình luôn luôn sống đời sung túc , hỡi thợ săn , vì hành động nhân từ của ông đã thả tự do cho vua của tôi !"

Ngỗng vàng hỏi thợ săn : "Ông bắt tôi cho chính ông hay là vì lệnh của một người nào khác ?"

"Ðây là do nhà vua ra lệnh tôi đặt bẫy , hỡi con ngỗng cao thượng". Ông thợ săn nói thật cho ngỗng vàng biết và chuyện hoàng hậu ao ước muốn thấy được con chim tuyệt trần ấy . Ngỗng vàng thầm nghĩ : "Có lẽ mình nên đi vào thành là tốt nhất . Người thợ săn sẽ được thưởng và vua Bahuputtaka nghe nói là một quốc vương thông thái và đạo đức . Nếu ta tình nguyện tới trước mặt ngài thì ngài sẽ được thỏa mãn ước vọng và có thể sẽ quyết định cho ta tự do tới lui bên hồ nước đẹp này".

Nghĩ xong nó nói với người thợ săn : "Hãy đưa chúng tôi đến gặp nhà vua . Chúng tôi sẽ nói chuyện với ngài và nếu ngài bằng lòng , ngài sẽ thả chúng tôi".

Người thợ săn nói : "Hỡi con ngỗng cao thượng , các vị vua không phải lúc nào cũng nhân từ . Có thể họ sẽ quyết định giữ cả hai ngươi làm tù nhân đó".

Nhưng ngỗng vàng đáp : "Tôi đã làm mềm lòng ông , một người thợ săn , thì chắc chắn thế nào cũng xin được ân phước từ một vị vua vĩ đại . Hãy để tôi lo ! Ông cứ làm phận sự của ông đi , và đưa tôi cùng Sumukha đến chầu vua".

Thế là ông thợ săn đặt hai con chim lên đòn gánh mang họ về cung điện .

Khi vua và hoàng hậu trông thấy hai con chim lộng lẫy , một con có lông óng như vàng , con kia thì lông trắng như tuyết trên đỉnh núi . Hai người hết sức vui mừng . Nhà vua để hai con chim đứng trên một cái thanh bằng vàng , rồi dùng tay của ông tự đút cho họ mật ong và những hạt ngon , và cho uống nước ngọt . Thức thâu đêm , nhà vua và con ngỗng vàng trò chuyện với nhau về bổn phận và đạo đức của một vị quốc vương .

Ngỗng vàng nói với vua rằng : "Người nào không làm việc tốt đợi đến khi quá trễ , người đó sẽ bị suy sụp , mất hết hiểu biết , và không còn nghị lực . Người nào không nhìn thấy chân lý , người đó sẽ không đạt được trí huệ . Hãy quý chuộng con cái của ngài để mai này họ sẽ trở thành người thông thái , luôn luôn theo con đường đạo đức". Ðó là lời con ngỗng vàng khuyên vua và khuyến khích vua .

Trời bắt đầu sẫm tối , nó giã từ vua và hoàng hậu , rồi cùng Sumukha trung thành , bay ra cửa sổ về phía bắc , đi thật xa đến rặng Cittakuta .

Chấm dứt ! (Vỗ tay)

Bây giờ , chúng ta thắc mắc là tại sao cùng là loài ngỗng với nhau , sao chỉ có hai con thật là cao thượng , còn những con kia chỉ là ngỗng bình thường , hèn nhát . Chín ngàn con mà chỉ có hai con cao thượng !

Thành ra ngay cả trong thế giới loài vật cũng có sự khác nhau , chứ không phải chỉ có loài người . Có lẽ nó phải như vậy . Tôi không biết tại sao lại phải như vậy . Có lẽ trong chúng sinh cũng có những sự phát triển khác nhau . Ngay cả trong cùng một giống loài cũng phải có sự khác biệt này , bởi vì có chúng sinh chọn đi lên đường hướng cao cả hơn , và có chúng sinh chọn đi con đường bình thường , con đường dễ đi và có nhiều lợi lộc hơn về phương diện vật chất . Có lẽ theo ý chọn của mình mà chúng ta trở thành cao cả hay thấp hèn . Nếu mình không phấn đấu trong tâm , cố gắng cải thiện sự suy nghĩ và lý tưởng của mình hay công việc và hành động của mình , thì chúng ta sẽ ở lại đẳng cấp đó hoài , làm một con ngỗng tầm thường . Chúng ta sợ những gì mọi người khác sợ , lo lắng những gì mọi người khác lo lắng , ăn thức ăn giống như mọi người khác , mơ giấc mơ của mọi người khác và làm những hành động giống như mọi người khác và theo sự đòi hỏi quen thói của người khác . Không có gì hay hơn về mình , không có gì tiến bộ , và chúng ta không là gì khác hơn những con ngỗng ăn cỏ , uống nước hồ cho trôi qua ngày tháng . Cuộc đời cũng thanh bình , hài hòa , không có gì căng thẳng , và bề ngoài cũng thấy đẹp đẽ . Nhưng không thành đạt gì hơn ngoài cỏ và nước hồ .

Cho nên bây giờ chúng ta hãy tự hỏi lòng xem mình cũng muốn một đời sống gọi là thanh bình yên ổn như vậy hay không . Cho nên tôi có nói với quý vị trước kia rằng đừng hãnh diện là mình có một gia đình hòa thuận , sống trong khung cảnh thanh tịnh , thành đạt về vật chất và được bất cứ lợi ích gì mà quý vị nghĩ rằng do sự gia trì của Sư Phụ hay qua việc tu môn pháp Quán Âm .

Cũng đúng là Minh Sư sẽ gia trì cho mình những gì mình muốn , nhưng chúng ta không nên mãn nguyện với cái đó và hãnh diện với thành quả đó , bởi vì cái này không là gì cả ! Phân bón hôi thối cần thiết cho bông hoa , nhưng bông hoa là điều mình muốn , chứ không phải phân bón .

Có lẽ vì vậy mà con ngỗng vàng trông vàng óng , tuyệt đẹp và thông thái , còn những con ngỗng kia trông rất tầm thường , như quý vị thấy trong câu truyện . Có lẽ Ðức Phật đã có lần làm con ngỗng vàng , cũng có thể không . Có thể đây chỉ là một câu truyện cho chúng ta noi gương , để chúng ta hiểu nỗi cô đơn của một vị vua hay của một vị Minh sư . Giống như nói chuyện với một đám ngỗng vô minh không có đầu óc con người hay trí thông minh . Cho nên dù câu truyện này có thật hay không , nó cũng vang lên sự thật trong đó . Câu truyện này không cần phải hoàn toàn đúng thật . Lý thuyết về luân hồi không cần phải thật sự hiện hữu , và Ðức Phật không cần phải thật sự đầu thai làm thân ngỗng vàng hay thỏ vàng , hay bất cứ gì trước kia . Có điều câu truyện này mang một sự thật . Nỗi cô đơn của một vị vua hay vị Minh sư hay một người tài giỏi thấy rất rõ trong câu truyện này , không cần biết Ðức Phật có đầu thai làm thân ngỗng hay không , hay nếu ngài chỉ đặt ra để minh họa một nguyên tắc đạo đức qua những câu truyện khác nhau .