Dũng gạt phăng:

– Nói vậy mà cũng nói.

Vợ Dũng dấm dẳn:

– Ấy là em cũng lo cho anh thôi mà.

Mạnh Cường đứng lên cáo từ:

– Thôi, mình về đây, cậu ở lại tịnh dưỡng vài hôm nữa đi nhé!

Dũng gật đầu, nhìn theo Mạnh Cường tỏ vẻ cám ơn ...

Sĩ Tiến nhìn Mạnh Cường nghi ngờ hỏi:

– Mầy nói sao? Thằng Dũng vẫn chưa khỏi bệnh ư?

– Vâng! Coi bộ cũng không nhẹ đâu.

Ngẫm nghĩ giây lát Sĩ Tiến lại nói:

– Thiếu nó đám công nhân cũng khó mà quản lý.

Đêm đó Sĩ Tiến cùng Mạnh Cường thân chinh ra tận bãi biển để xem xét tình hình. Mạnh Cường nói nhỏ vào tai giám đốc:

– Lại xuất hiện một chuyện lạ.

Sĩ Tiến bảo Mạnh Cường ra đó xem tụi nó bày trò gì nữa vậy?

Sĩ Tiến nhăn nhó:

– Các người làm trò gì thế? Toàn trò vớ vẩn.

Đám công nhân nhốn nháo:

– Họ chết oan ức nên về báo ứng.

– Họ thành tinh rồi thì biết.

– Nó trả thù là đúng thôi?

Sĩ Tiến vừa bước ra, thì hiện tượng lạ xảy ra. Gió thổi ào ào, sóng biển nổi lên dữ dội. Anh em nháo nhào ôm lấy nhau:

– Nó lại xuất hiện nữa rồi.

– Ma xuất hiện đấy. Coi chừng giám đốc ơi!

Sĩ Tiến cằn nhằn:

– Các người tự nhát mình rồi, gió biển thổi mà.

Thông đứng kề bên thì thầm:

– Giám đốc có nghe gì không? Tiếng ma hờn quỷ khóc đó!

Hoàng lại run giọng:

– Trời ơi! Ánh đèn kia lại xuất hiện nữa rồi.

Sĩ Tiến ngơ ngác:

– Đèn gì cơ? Chỉ là ngọn đèn thôi mà.

Hoàng rên rỉ:

– Tiếng kêu khóc nữa kìa.

Sĩ Tiến dõng tai ra nghe. Hắn nạt:

– Có tiếng gì đâu?

Mạnh Cường ngần ngại:

– Vậy ... còn bóng đen ấy là gì?

Một anh công nhân đứng tuổi xen vào:

– Đó không phải là ngọn đèn mà là ánh đuốc ma trơi.

Sĩ Tiến nhăn mặt:

– Ánh đuốc ma trơi ư? Hừm! Làm gì có chuyện ấy chứ.

Thông chỉ về phía ánh đuốc:

– Thực tế, trông thấy rồi đó. Đây là nơi hoang vắng không một bóng người thì làm gì có đèn chứ?

Tiếng người từ xa vọng lại:

– Tôi chết oan ức lắm. Linh hồn không siêu thoát được.

Thông , Hoàng cùng đám công nhân ôm chầm lấy nhau. Sĩ Tiến nhăn mặt gắt:

– Đừng tự nhát mình nữa. Hãy bình tĩnh lại đi.

Hoàng kêu to:

– Ôi, mọi người nhìn kìa. Ánh đèn càng lúc càng to dần rồi.

Sĩ Tiến hơi chau mày, thật ra ánh đèn lúc nãy cũng có to hơn thật. Chẳng lẽ oan hồn về đây báo ứng hay sao?

Nhưng cũng phải cố giữ vẻ bình tĩnh ... một cơn giông thổi đến thật mạnh.

Làm rung rinh cả chiếc lều của họ. Gió mạnh làm đứt cả dây điện, trời đã tối càng tối hơn. Đã sợ lại càng lo sợ nhiều hơn.

Thấy anh em công nhân hoảng sợ Sĩ Tiến gắt gỏng:

– Chỉ là gió bão thôi mà mấy người làm gì cuống lên như vậy?

Thông nói trong hoang mang:

– Không phải là cơn bão bình thường đâu giám đốc ạ!

Hoàng cũng xen vào:

– Thường đi kèm với cơn dông là tiếng rên rỉ, trách hờn ai oán.

Mạnh Cường kể:

– Dũng đen cũng đã bị thương trong hoàn cảnh ấy đấy. Nó đã bị sống dở chết dở đấy!

Một người công nhân khác lại nói:

– Bên phía công nhân nữ mấy hôm nay cũng đã xảy ra sự cố hết sức rùng rợn khiến các cô cũng sợ lắm đấy.

Rồi tia chớp, rồi sấm sét, rồi những tiếng oan hồn rên rỉ, ai oán, nổi lên. Sĩ Tiến cũng nghe nao lòng. Nhưng hắn vẫn cố gượng trấn an lòng mình.

Một anh công nhân nói:

– Nhiều ánh đuốc ma trơi xuất hiện thấy không, nó lúc ẩn lúc hiện kìa!

– Đó là những con ma đã cho anh Dũng đen ăn đất sét đó. Tụi mình đừng có mà dại, ma đó.

Sĩ Tiến bực bội:

– Một đám người như vậy mà sợ ư? Cứ tiếp tục ra đó làm việc đi.

Thông run lên vì sợ:

– Làm sao mà dám ra ngoài đó giờ này chứ?

Câu nói ấy có hiệu lực với một con người quyền thế. Hắn hơi chao đảo tinh thần. Nhưng vẫn khoác lác:

– Ma quỉ đâu mà sợ. Nếu đúng như vậy thì đêm nay hãy cho tui thấy đi.

Hoàng hoảng sợ:

– Ý, giám đốc. Ông đừng nên nói vậy không nên!

Hắn cười đắc chí:

– Ta đâu phải là các người sợ muốn tè ra quần như vậy.

Mạnh Cường nở nụ cười đầy bí ẩn:

– Như thế mới phải là giám đốc của tụi nầy chứ!

Ai nấy điều hoang mang lo sợ. Họ thở dài ngao ngán:

– Chẳng biết đêm nay rồi có được yên ổn để ngủ hay không?

Để trấn an tinh thần bọn công nhân nầy Sĩ Tiến đành phải chi ra một số tiền cho Mạnh Cường và nói:

– Cậu đi mua kết bia và thức nhấm về đây cho anh em uống chơi.

Thông cười xoà:

– Chà hôm nay giám đốc chịu chơi vậy ta.

Hoàng cũng ứng khẩu theo:

– Thế mới gọi là chứ.

Mạnh Cường nắm chặt xấp tiền!

– Đêm nay tụi mình sẽ không sợ gì hết, đã có thần men án ngự rồi.

Cả nhóm công nhân tươi nét mặt. Sĩ Tiến giục:

– Đi nhanh lên Cường.

Cường nhanh nhẩu nhảy lên xe nổ máy, bay đi mất.

Bỗng Thông kêu lên:

– Ôi, bây giờ nó mà nhiều ánh đèn như thế?

Một anh công nhân hơi nhíu mày:

– Gió thổi như vậy, trời lại lất phất mưa như vậy đèn làm sao mà cháy được?

Một người công nhân xem chừng là người lớn tuổi nhất chậm rãi nói:

– Đó là ánh đuốc của ma trơi. Ngày xưa tôi nghe nội tôi nói lại ánh đuốc ấy vụt tắc vụt cháy, có khi chạy dài thành một hàng dài tiếng hú, tiếng cười nghe gợn tóc gáy chứ không phải chơi đâu.

Thông lại kêu lên:

– Nó biến đâu mất rồi!

Sĩ Tiến xua tay, trấn an anh em công nhân:

– Thây kệ nó. Mình cứ ăn nhậu thoải mái, chừng nào nó đến đây thì tính.

Có người lại nói giọng nhát gừng:

– Có khi nào đêm nay nó lại viếng thăm mình không?

Người ngồi cạnh le lưỡi:

– Đừng nói vậy ghê lắm đó.

Sĩ Tiến bực mình:

– Anh em đừng có nghĩ đến chuyện đó được không.

Nhóm công nhân im thin thít không dám hó hé ra một tiếng nào nữa. Họ cứ cụng ly đến cạn sạch kết bia mạnh ai nấy bò lăn ra ngủ quên cả trời đất ...

Sĩ Tiến co chân đạp, miệng lảm nhảm:

– Tao không sợ chúng mầy đâu?

Một cái đầu lâu lăn lông lốc đến cạnh hắn. Vẳng xa tiếng nói:

– Mầy quả là thằng gian ác bóc lột sức lao động của tụi tao, tao chết mầy cũng không cho được chiếc chiếu.

Hắn hỏi:

– Nhưng anh là ai?

– Mầy hỏi tao hả? Tao là ma là quỉ về đây để bắt mầy.

Tiếng rên, tiếng khóc đòi mạng lại quang lên áp đảo tinh thần của hắn. Hắn run lên vì sợ:

– Tôi ... tôi van các người ... tôi lạy các người!

Một bóng khác lù lù xuất hiện trước mặt hắn tóc tai bù xù miệng hà hơi đỏ lòm, đưa hai cái răng nanh trông khiếp đảm. Hắn nhắm mắt đưa hai tay lên bịt mặt:

– Ối trời ơi ... tôi ... chết mất. Hãy tha cho tôi ...

Cái lưỡi dài của con ma động đậy. Nó lè ra liếm mặt hắn, hắn chết khiếp quì xuống lạy.

– Tôi ... tôi xin ... các ông!

Móng tay nhọn cứ chờn vờn trước mặt như chực chờ cấu xé hắn ra. Mấy oan hồn rên la, khóc lóc, đòi mạng. Hắn bỗng rùng mình sợ hãi. Đầu óc hắn quay cuồng, nhìn đâu cũng thấy ma. Hắn bị ma trận vây quanh. Không lối thoát.

Tiếng một con ma văng vẳng:

– Hãy trả lại sự trinh trắng cho ta. Mi là thằng gian ác.

Hắn càng tái mặt, hắn lết hắn bò miệng kiêu lên:

– Cứu tôi ... cứu.

Tiếng cười của cô gái nghe thật lùng rợn.

– Ha! Ha! .... Mầy biết sợ rồi sao? Vậy thì đừng nên làm việc ác. Tao sẽ bóp cổ đòi mạng.

Hắn quơ hai tay:

– Không, không đừng nên đụng đến người tôi!

– Ta là một linh hồn ma quái, bị chết oan vì bị ngươi hãm hiếp rồi giết hại không một mảnh vải che thân.

Một bộ xương người trắng phếu đang tiến gần về phía hắn. Hắn ngước nhìn lên kinh hoàng rú lên một tiếng:

– Ối trời ...

Hắn khuỵu xuống, một đống thịt to đùng. Hắn ngất xỉu vì khiếp đảm, một bộ xương người. Nhưng phần đầu tóc tai vẫn còn, đôi mắt xâu hoắm đầu lắc lư lắc lư tiến về phía hắn ...

Cứu ... cứu ...

Mạnh Cường đập mạnh lên vai hắn.

– Giám đốc . .... Giám đốc. Hắn bừng tỉnh mở mắt ngơ ngác.

– Đây là đâu?

Mạnh Cường bật cười:

– Thì phòng riêng của ông!

Hắn nhíu mày:

– Nhưng sao tao lại về đây được.

Cường cười:

– Ông có đi đâu mà về.

Như vẫn còn hoang mang vì sợ, hắn bảo:

– Mầy là ai?

– Trời đất! Sao ông hỏi kì vậy? Tôi là Mạnh Cường đây mà.

Hắn lắc đầu, dụi dụi mắt.

– Phòng của tao đây mà. Mầy sai lại vào đây?

Mạnh Cường vò gãi đầu:

– Ông cứ la hét lên mãi. Báo hại đêm nay tôi có ngủ gì được đâu.

– Tao hét à!

– Vâng to lắm.

Hắn trách:

– Sao mầy không kêu tao!

Mạnh Cường trách ngược lại:

– Kêu làm sao? Mới vừa đụng vào ông, ông đá tôi một cái vòng cù nèo.

Hắn ngó Cường:

– Thật vậy sao mậy?

– Đúng!

– Không phải là thật à!

Cường gãi đầu:

– Cũng không có gì?

Mạnh Cường gợi lên:

– Ông nằm thấy ma, phải không?

Ông hốt hoảng nhìn quanh:

– Đừng có nói bậy!

Cường chậm rãi nói:

– Tôi thấy mặt ông không được tốt lắm. Xanh xao và hốc hác đi nhiều.

Hắn lảm nhảm:

– Mới một đêm thôi mà, gì mà nhanh thế.

Mạnh Cường nói thêm:

– Người ta nói đêm ngủ thấy ma quỉ là xui xẻo lắm.

Hắn lo sợ hỏi:

– Như vậy thì phải làm sao?

Mạnh Cường bảo:

– Phải lập bàn thờ và cúng bái.

Hắn cằn nhằn:

– Bày trò nhảm nhí. Tốn tiền!

Cường lắc đầu:

– Vậy thôi, tôi ra bãi đây.

Chợt Hoàng, Thông cùng mấy công nhân nữa chạy ùa vào. Cường chặn họ lại hỏi:

– Chuyện gì mà chạy vào tận nơi đây?

Thông giọng run run:

– Dạ ngoài kia lại phát hiện chuyện lạ.

Cường gắt:

– Lạ là làm sao?

Hoàng lắp bắp kể:

– Một bộ xương heo.

Sĩ Tiến đứng bật lên. Tóm áo Hoàng:

– Mầy vừa nói gì?

Thông tiến lại gần:

– Thưa ông tại chỗ đèn cháy đêm hồi hôm, xuất hiện một bộ xương heo!

Mạnh Cường tái xanh mặt mày:

– Bộ xương heo đó ở đâu?

Cả Thông và Hoàng đều lắc đầu:

– Chúng tôi không biết.

Hoàng nói thêm:

– Thịt và da, cả ruột heo cũng không còn. Chỉ còn bộ xương trắng mà thôi.

Hắn nhớ lại hình ảnh xương người trong mơ, môi tái nhợt đi, hắn không còn sức quát nạt nữa mà ngã xuống giường, hai tay ôm đầu:

– Ôi, đầu ta đau quá!

Mạnh Cường bước lại gần:

– Giám đốc, anh có sao không chúng tôi đưa anh đi bệnh viện nghen.

Hắn lắc đầu quát:

– Các người ra ngoài hết đi.

Đám công nhân lùi ra xa trở về nơi làm việc của mình ...

Một đám nữ công nhân từ dãy nhà ngang bên kia xí nghiệp ùn ùn kéo đến như một đoàn quân ra trận.

Mạnh Cường đứng ra ngăn lại:

– Đứng lại!

Người phụ nữ đi đầu bước ra:

– Chúng tôi cần gặp giám đốc!

Mạnh Cường lắc đầu:

– Nếu có việc cần gặp giám đốc thì các cô đâu có cần kéo một đám đi như vậy. Như một cuộc biểu tình.

Vẫn người con gái đi đầu, cô đốp chát:

– Đúng! Chúng tôi kéo đi biểu tình đó. Giám đốc cần phải cân đối lại giờ làm việc cho chúng tôi.

Nhìn kỹ cô bé cũng dễ thương quá đó chứ. Môi mắt to đen hàm răng trắng đều, mái tóc nhung huyền xoã bờ vài. Nhưng có điều cô ăn nói coi bộ cũng không hiền cho lắm. Mạnh Cường gãi gãi đầu:

– Giám đốc hôm nay mệt, không thể tiếp các cô được đâu.

Có tiếng thúc giục phía sau:

– Chị Yến Nhi chị đừng nghe anh ta nói. Hắn cùng một giuộc với giám đốc mà.

Mạnh Cường thốt lên:

– Yến Nhi ư?

Cô gái mang tên Yến Nhi tròn mắt:

– Anh lảm nhảm điều gì đó. Bộ tên của tôi xấu lắm sao?

Mạnh Cường cười nhìn cô gái:

– Không, tên của cô đẹp lắm mà người lại càng đẹp hơn.

Yến Nhi đỏ mặt:

– Dạ không dám, cám ơn anh.

Cường lại mỉm cười ngó cô bé:

– Sao lại cám ơn tôi?

Yến Nhi thấp giọng:

– Vì anh vừa khen tôi đó.

Mạnh Cường thấy nao nao trong lòng nên nói:

– Yến Nhi vào làm ở đây lâu chưa?

– Đúng một tuần!

Mạnh Cường chợt nói:

– Hèn gì tôi không biết cô là phải.

Người phụ nữ đứng bên cạnh thúc vào hông Yến Nhi:

– Biết để làm gì Yến Nhi?

Cô bé quay lại đỏ mặt:

– Em đâu có biết.

Loan trưởng nhóm đứng ra hay lời:

– Anh Cường, chúng tôi cần gặp giám đốc.

Cường cười xuề xoà với Loan:

– Chị cũng có mặt ở đây nữa à? Nhưng mà ... chị đã hiểu ý của giám đốc quá rồi.

Loan đối đáp:

– Nhưng ông ấy đưa ra cái luật làm việc như vậy là thiệt thòi cho chị em chúng tôi quá.

Thoáng thấy Hồng Hạnh cũng có trong nhóm này, Mạnh Cường gọi luôn đích danh của cô:

– Nào, cô Hồng Hạnh thủ quỹ của nhóm thử phát biểu xem nào?

Hồng Hạnh lắc đầu:

– Anh giải quyết được gì mà nói.

Mạnh Cường vẫn cười:

– Thì hãy nói xem nào? Nếu mà tôi không giải quyết được thì tôi sẽ kiến nghị lên giám đốc giùm cho.

Cả nhóm xôn xao:

– Có nên tin ông ta không?

Yến Nhi ra hiệu cho cả nhóm im lặng. Rồi nói:

– Chúng tôi cần mắc thêm đèn phát sáng.

Cường trố mắt:

– Để làm gì?

Loan đáp thay:

– Mấy lúc gần đây đêm nào chúng tôi cũng nghe thấy tiếng rên tiếng khóc của ai đó nghe như oán như than vậy.

Mạnh Cường hơi nhíu mày tư lự:

– Nhưng ... mà không. Tại các cô tưởng tượng đó thôi.

Hồng Hạnh lắc đầu:

– Tôi là người chúa ghét những chuyện nhảm nhí ấy. Nhưng mà tiếng rên ấy là có thật. Chị em công nhân đang rất là hoang mang.

Cường chợt hỏi:

– Như vậy rồi các cô đến gặp giám đốc để đòi hỏi, kiến nghị gì?

Hồng Hạnh bước ra:

– Chúng tôi cần giảm giờ làm ban đêm.

Mạnh Cường đắn đo:

– Giảm giờ làm rồi ai sẽ làm. Làm sao cho kịp hàng.

Yến Nhi đáp:

– Vậy thì mướn thêm người hoặc là tăng thêm lương cho chúng tôi.

Mạnh Cường phì cười:

– Chung qui là các cô muốn tăng lương chớ gì?

Hồng Hạnh nói tiếp:

– Tăng lương đó là trách nhiệm của giám đốc. Còn việc cảm thấy bị bóc lột sức lao động của chị em chúng tôi thì buộc lòng phải lên tiếng.

Mạnh Cường xua tay:

– Thôi mấy cô, mấy chị về đi việc này tôi sẽ trình lên giám đốc xem ý kiến ông ấy như thế nào rồi tôi sẽ trả lời sau.

Dũng đen từ sau cửa hậu bước ra. Hồng Hạnh nhận ra Dũng kêu lên:

– Ối Dũng! Mấy hôm nay anh đâu mất tiêu vậy?