Dũng đen cười đưa hàm răng vàng với khói thuốc bảo:

– À! Mấy hôm nay tôi bận việc.

Loan lắc đầu tỏ vẻ không tin:

– Anh xạo ghê! Tôi mới gặp vợ anh ngoài chợ sáng nay.

Dũng đen nhăn nhó, gãi đầu:

– Vậy thì Loan biết rồi còn hỏi làm gì?

Loan che miệng cười:

– Tôi đâu ngờ là anh lại như thế!

Dũng lặp lờ:

– Gặp rồi mới biết đá, biết vàng Loan ạ.

Cô gái giẫy nẫy:

– Ối ối, đừng nói vậy không hên chứ. Tôi chẳng muốn như anh đâu!

Dũng cười xa nói gần:

– Từ từ rồi sẽ biết thôi mà.

Yến Nhi đâm hoảng:

– Này nhé! Thường ngày chúng tôi đâu có làm gì thất đức đâu mà sợ trả oán.

Dũng đen phì cười:

– Chứ ai có đâu?

Hồng Hạnh bĩu môi:

– Anh mà không làm điều ác ư! Khối việc ra ấy.

Dũng đen trợn mắt:

– Tôi làm việc gì?

Hồng Hạnh khoát tay:

– Chuyện gì thì tự anh biết.

Dũng đen nổi cáu:

– Này, các cô nên nói cho rõ.

Loan bước ra:

– Anh có ăn chặn tiền của các anh chị em công nhân không?

Hắn phản ứng một cách yếu xìu:

– Các cô đừng có đặt điều cho tôi.

Hồng Hạnh cười tủm tỉm.

– Ừ phải mà, tại anh mới ăn bánh “đất sét” đó thôi. Tôi sợ lại có ngày con ma nó lấy luôn chỗ đội nón của anh của anh thì khốn.

Dũng hoảng hốt:

– Cô ... cô nói gì lạ vậy?

Hồng Hạnh vẫn giễu cợt:

– Nếu không có thì anh đâu có sợ phải không?

Thấy bạn dưới thế Mạnh Cường cứu bồ:

– Các cô có tin rằng mình chẳng gặp ma sao? Vừa lúc nãy bảo có nghe tiếng kêu rên mà.

Loan trề môi:

– Tuy chúng tôi có sợ thật. Nhưng chưa đến nỗi như anh phải bỏ “vàng” ra ngoài.

Dũng đen nghe thấy nóng cả mặt, anh nghiến răng hăm doạ:

– Rồi các cô sẽ thấy, đừng có già mồm.

Mạnh Cường xua tay:

– Thôi các cô nên về làm việc đi. Kẻo lại gặp chuyện rắc rối to.

Hồng Hạnh vẫn nói cứng:

– Có gì mà phải lo. Cùng lắm là được nghỉ phép lâu năm chứ gì mà phải sợ.

Mạnh Cường ngước nhìn Yến Nhi nhưng nói với tất cả mọi người:

– Các cô nên làm việc cho tốt thì hơn! Giải tán đi!

Đám công nhân nữ lục đục kéo nhau ra về. Nhưng trong lòng thì vẫn còn ấm ức. Loan bảo với mọi người.

– Giám đốc có lẽ không có ở đây thật.

Hồng Hạnh chua ngoa:

– Ông ấy đang vui với em nào đó chứ gì?

Yến Nhi thở dài:

– Biết bao cô gái non dạ yếu lòng bị hắn ta hại rồi.

Hồng Hạnh chép miệng:

– Hắn ta ngoài bốn mươi nhưng không vợ không con, làm toàn là đều thất đức.

Loan cười bảo đùa:

– Có ngày hắn sẽ trả giá đắt thôi.

Hạnh hỏi Loan:

– Theo chị thế nào là trả giá đắt?

Loan nói một hơi:

– Hắn là kẻ háo sắc, các cô gái mê tiền chạy theo, rồi ghen tuông, rồi ẩu đả, có ngày coi chừng hắn bị cắt mất của quí luôn cũng nên.

Đám nữ công nhân nghe Loan nói vậy đỏ mặt, bụm miệng cười.

Yến Nhi kêu lên:

– Ối trời! Ai dám gan như vậy. Mới vừa nghe nói đã đỏ mặt tía tai hết rồi.

Hồng Hạnh xen vào.

– Người ngoài cuộc mà, chứ xông trận thử xem, em nào cũng máu đỏ cả mà.

Cả đám cười vang lên, ác cả tiếng sóng biển rì rầm ... đêm của biển, khí trời lành lạnh. Biển đêm nay hiền hoà dịu êm. Chỉ có những con sóng nhỏ vỗ vào bờ. Yến Nhi ngồi thu mình nhỏ thó vì sợ lạnh.

Mạnh Cường hỏi nhỏ:

– Em 1ạnh lắm à?

Yến Nhi thở hắt ra:

– Hơi lạnh thôi!

Mạnh Cường cởi chiếc áo khoác, đặt nhẹ lên đôi vai nhỏ bé của cô, giọng ấm áp:

– Khi ra bãi Nhi nhớ mặc nhiều áo vào.

Cô bé đáp lí nhí:

– Vâng! Lúc chiều em quên mất.

Mạnh Cường bất ngờ hỏi:

– Dường như em có tâm sự gì đó buồn lắm phải không?

Yến Nhi thoáng giật mình:

– Sao anh hỏi em vậy?

Mạnh Cường rúng vai:

– Đôi mắt u buồn, và em hay thở dài.

Yến Nhi chớp chớp vành mi:

– Anh tinh tường lắm!

– Em có thể nói cho anh nghe không?

Yến Nhi lắc đầu:

– Chuyện không đáng để anh quan tâm đâu.

Mạnh Cường ngập ngừng:

– Nếu thấy không tiện thì thôi.

Yến Nhi đổi giọng:

– Nầy, anh Cường!

Cường nhìn vào đôi mắt của Yến Nhi:

– Em muốn hỏi anh đều gì phải không?

Yến Nhi mỉm cười:

– Anh tài ghê!

Cường giục:

– Nào, chuyện gì nói anh nghe đi?

– Anh vào làm ở đây lâu chưa.

– Khoảng chưa đầy một năm.

Yến Nhi lại thở dài:

– Vậy sao?

Mạnh Cường thấy cô gái này có gì đó rất khác lạ, nhưng không tiện hỏi. Yến Nhi lại thủ thỉ:

– Theo anh thì ông giám đốc này là người như thế?

Cường lắc đầu:

– Em muốn hỏi về phương diện nào mới được.

Yến Nhì đáp gọn:

– Cả mọi mặt.

Mạnh Cường nhăn nhó:

– Chuyện ấy em hỏi làm gì. Cứ làm việc và lãnh lương đều đều là được rồi.

Yến Nhi làm mặt giận:

– Nếu anh không muốn cho em biết thì thôi.

Mạnh Cường xoa dịu:

– Nhưng thật tình thì anh. Có biết nhiều về ông ta đâu. Anh chỉ biết làm những việc mà ông ta cần anh mà thôi.

Yến Nhi lại hỏi:

– Ngần ấy tuổi mà ông ấy chưa lập gia đình, điều ấy thật lạ đối với một giám đốc lắm của nhiều tiền như thế.

Mạnh Cường ném những viên sỏi xuống nước anh lại hỏi:

– Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau mà. Việc ông ấy chưa cưới vợ thì đâu phải là vấn đề để em quan tâm.

Yến Nhi ngập ngừng:

– Nhưng mà ... em.

Mạnh Cường ngạc nhiên thấy cử chỉ lạ lùng của Yến Nhi nên hỏi:

– Sao em lại ngập ngừng như vậy? Có gì thì cứ nói anh nghe.

Yến Nhi bỗng kêu lên:

– Ôi kìa! ....

Mạnh Cường nhìn về hướng tay của Yến Nhi. Cường trố mắt ngạc nhiên:

– Gì thế?

Yến Nhi sợ hãi:

– Ma.

Mạnh Cường trấn an:

– Không đâu!

Yến Nhi run rẩy.

– Dường như nó tiến về phía mình.

Mạnh Cường đứng lên, Yến Nhi nắm vội tay Cường:

– Em sợ quá!

Mạnh Cường cười khì:

– Em chưa thấy kỹ đã vội cho đó là ma?

Yến Nhi căng mắt ra nhìn:

– Trời ơi cái đầu nó lắc lư kìa, tóc dài thườn thượt ...

Thôi mình về đi anh Cường.

Chiều theo ý cô bé Cường bảo:

– Ừ, về thì về?

Yến Nhi đi sát vào bên Cường cô bé thủ thỉ:

– Em nghe giám đốc của mình cũng đã gặp ma.

Mạnh Cường lắc đầu.

– Ông ấy bị bệnh ấy thôi.

Yến Nhi lại nói:

– Em nghe người ta đồn rằng ngoài xuất nhập khẩu cá ra ông ta còn làm những chuyện khác nữa mà nhà nước không cho phép.

Mạnh Cường hơi nhíu mày suy nghĩ, cái cô này để ý giám đốc kỹ đến như vậy là có ý gì. Nên Cường vội hỏi:

– Em để ý kỹ đến giám đốc như vậy ư?

Yến Nhi lắc đầu:

– Thuận miệng hỏi vậy thôi, vả lại, ông bóc lột sức lao động phụ nữ tụi em dữ quá. Anh là trợ lý cho ông ấy mà chẳng thấy điều bất công ấy sao?

Mạnh Cường nói nhỏ:

– Anh chỉ làm trợ lý thôi, anh đâu có quyền xét đoán công việc của ông ấy.

Cô bé lại ngập ngừng:

– Em nghe nói ...

– Sao em không nói hết câu?

Yến Nhi nói nhanh:

– Người ta bảo anh có phần trong việc tăng giờ làm thêm của đám công nhân tụi em.

Mạnh Cường nhăn nhó:

– Ai mà đồn kỳ vậy. Anh đâu dại gì làm những điều đó để ông ta hưởng lợi còn mình thì mang tiếng độc ác.

Yến Nhi chép miệng:

– Anh nói vậy cũng phải. Tuy nhiên, tụi em cũng chẳng để yên cho ông ấy đâu.

Mạnh Cường phì cười:

– Mấy chị em định làm gì?

– Tụi em sẽ đình công.

Mạnh Cường lắc đầu:

– Đừng có dại. Hắn ta không phải tay vừa. Coi chừng ông ấy đuổi việc đấy!

– Nhưng hỏng lẽ tụi em để ông ấy bóc lột mà không lên tiếng.

Thấy cô bé có vẻ bực bội nên Mạnh Cường cầu hoà:

– Thôi được việc nầy để anh về bàn bạc lại với ông ta.

Gần đến ngã rẽ vào khu tập thể của công nhân nữ. Yến Nhi nói lí nhí:

– Anh về đi, em vào!

Mạnh Cường nheo nheo mắt:

– Chúc ngủ ngon.

Yến Nhi quay lại:

– Anh cũng thế nhé!

Đang ngủ say Sĩ Tiến nghe tiếng gì đó văng vẳng bên tai hắn mở choàng mắt nghe ngóng tiếng rên ấy ngày càng gần hơn:

– Tôi lạnh quá! Trời ơi! Đói quá.

Hắn lạnh toát cả mồ hôi, thoáng nghĩ qua đầu:

– Lại mấy oan hồn về đây phá nữa.

Nằm vật xuống giường, hắn ta bịt tai. Nhưng tiếng rên xiết kia vẫn cứ văng vẳng bên tai:

– Sĩ Tiến, hãy trả lại mạng cho tao.

Nghe gọi đích danh của mình hắn càng thêm hoảng loạn. Giữa đêm khuya tiếng chim quạ ăn đêm kêu lên nghe rùng rợn cả người ... tiếng rên khóc kia lại càng rõ hơn. Ả con gái nằm cạnh hắn cũng giật mình:

– Anh Tiến có ma!

Hắn ấn đầu cô gái nằm xuống thì thầm:

– Nằm im đi!

Cô gái nằm úp mặt vào gói im thin thít. Nhưng tiếng rên rỉ vẫn nghe rất rõ:

– Hãy trả mạng lại cho tao? Tao lạnh lắm! Đói lắm!

Cô gái sợ đến tái cả mặt, xoay người nằm ngửa, cố nhìn qua cửa kính, cô hét lên và sợ hãi.