- 6 -


“Quả không sai chút nào, tao đã lừa bọn mày, tao không phải là người buôn đồ cổ, tao là cảnh sát. Mùa hè năm ngoái, tao nhận được điện của người bạn, chính người bạn gọi điện cho tao mới là người buôn đồ cổ, nó xây nhà được là vì nó đã mua được chiếc bát cổ khi vào ăn phở trong quán lá ở một huyện lỵ nhỏ rồi mua nốt chiếc bát cổ mà ông chủ quán đựng thức ăn cho hắn, ông chủ quán không ngờ chiếc bát mà hắn mua là cái bát cổ được làm từ thời Nguyên. Lần điện thoại đó, hắn gọi và bảo tao hắn đang ở trong thị trấn nhỏ của một huyện vùng Tây Nam Trung Quốc. Hắn bảo chiếc bát đó hắn gạ mua nhưng ông chủ nhất định không bán nên bạn tao mới đi theo hắn, vì người bạn đó của tao nghĩ rằng, nếu đến quê của người chủ chắc chắn sẽ có thu hoạch...

Sau cuộc điện thoại đó, hắn bặt vô âm tín.

Nếu người bạn kia của tao cũng là người bình thường thì tao việc gì phải lặn lội đường sá xa xôi để đến vùng hẻo lánh chết tiệt này làm gì. Tao với hắn không những là đồng nghiệp mà hắn còn giới thiệu em gái hắn cho tao nữa. Nghiêm túc mà nói, hắn còn là anh vợ của tao nữa. Bất luận là về cả công chuyện riêng tao cũng phải có nhiệm vụ đến đây. Đương nhiên trước khi đến đây tao đã chuẩn bị chu đáo cả rồi. Trước khi đến, tao còn tìm hiểu tập tục của người dân ở đây với một giáo sư dân tộc học đức cao vọng trọng, tao không quên hỏi những vấn đề có liên quan đến chiếc bình đựng hồn người Ngũ Liên kia cũng như ý nghĩa những hình vẽ trên đó. Người bạn mất tích của tao đó còn nói cho tao biết về hình dáng của chiếc bình Ngũ Liên và những gì có liên quan.

Sau khi tra kỹ về ý nghĩa các hoa văn trang trí trên chiếc bình, ông giáo sư mới giảng giải cho tao, thực ra đó là tôtem của một nhóm người vùng xa vùng sâu, nó biểu thị ý nghĩa đất là cội nguồn của con người. Nhưng ngay vị giáo sư dân tộc học đó cũng không biết nghi thức tế lễ phải dùng người để tế sống quỷ thần. Thế là tao đến ngay ngôi làng chúng mày, nơi thằng bạn tao mất tích. Trong phiên chợ hôm nọ tao nghe mày có nói về chiếc bình đựng hồn người này...

Tao cũng như bạn tao, cũng theo chúng mày về đến tận làng chúng mày. Nay chân tướng sự việc đã bại lộ, người bạn đồng nghiệp của tao đã làm vật hy sinh cúng quỷ thần cho bọn mày, máu tươi đã tưới đất này, xương thịt cũng làm phân cho đất này.

Công việc mà tao phải làm bây giờ là phơi bày chân tướng của bí mật này.”

Dân làng ở đây không phải là bọn man di độc địa, họ làm việc đó chẳng qua là do tập tục người xưa truyền lại mà thôi, hơn nữa, suốt cuộc đời họ sống trên mảnh đất này, nên tất cả những gì có liên quan đến vùng đất họ sống đều tin tưởng khắc cốt ghi tâm, không bao giờ hoài nghi những gì người xưa để lại. Chính vì thế mà khi tôi bắn phát súng lên trời cảnh cáo, những người dân làng đã sợ đến ngẩn người, đại đa số dân chúng trong làng đã quỳ xuống trong vô ý thức.

Nhưng gã mặt đen và mấy tên mang mặt nạ vẫn vây lấy tôi. Trong tình hình đó, nếu tôi muốn vượt vòng vây mà không gây thương tổn cho người xung quanh là điều không thể, hơn nữa gã mặt đen là người tấn công đầu tiên vào tôi.

Một tiếng súng nữa, gã mặt đen ôm ngực, lảo đảo bước lên trước mấy bước rồi gục xuống. Mấy tên đeo mặt nạ kinh hoảng, từng đứa một tản ra hai bên, tôi lợi dụng bọn chúng trong lúc giãn ra để hở một lối nhỏ, thế là lập tức như con sóc tôi nhảy chuồn vào ruộng lúa. Là cảnh sát, tôi không được phép để hai tên Vương Lỗi và Đàm Xuyên ở lại, nhưng tình hình khẩn cấp lúc đó, tôi không thể không làm vậy. Hơn nữa, tay chân bọn chúng đều đã bị trọng thương, không thể tự đi lại được, nếu đèo bòng thêm họ thì e tính mạng tôi cũng khó bảo đảm. Tôi đành phải để hai người bọn họ lại, một mình mình tháo chạy.

Tôi vừa chạy đi, dân chúng liền đuổi theo, quả thực trong mơ tôi cũng không dám mơ thế.

Trong lúc chạy tôi đã dẫm lên ruộng lúa đang chờ vụ bội thu nhờ đã cúng máu tươi... vì thế tôi có cảm giác như đang đi qua cánh đồng có màu máu tươi của người ta. May mắn, cuối cùng tôi đã thoát khỏi sự truy đuổi của dân làng, tìm vào một khu rừng rậm tạm trốn. Không được bao lâu, tôi phát hiện mình đang lâm vào một mối nguy hiểm khác - lạc đường trong rừng rậm.

Tôi như con thú bị mù, cứ tháo chạy lung tung trong rừng rậm, rừng rậm quá, tôi không thể nào tìm được ra lối. Vô tình, tôi đang sống cuộc sống của người rừng, hàng ngày, ngoài việc kiếm thức ăn để sinh tồn, tôi còn phải cảnh giác những con thú của rừng núi.

Tôi nghĩ, người ta sống trong các thành phố hiện đại khó có được sự thể nghiệm như tôi hiện nay. Tôi phải sống kiểu thời nguyên thủy, hàng ngày hái trái cây, bắt thú nhỏ ăn thịt sống uống máu tươi, đêm đêm lại tìm hốc cây an toàn mà ngủ. May mắn quá tôi đã tìm được ra cánh đồng lúa của dân làng này, tôi lặn lội dưới cánh đồng lúa, tìm đến những hình nộm, cởi bỏ áo mình ra, mặc chiếc áo của người nộm. Trong những hình nộm đó, bên trong đều lấy xương người thật làm giá chống. Không biết có phải là xương của hai gã buôn đồ cổ Vương Lỗi và Đàm Xuyên không nhưng tôi nghĩ bây giờ nhất định họ đã bị dân làng giết chết, máu của họ đã tưới lên ruộng này, thịt xương của họ đã rữa nát để làm phân bón cho ruộng này rồi.

Sống cuộc sống như thế trong bao lâu tôi không hay biết nữa, chắc phải ra ngoài kia nơi chốn văn minh đô thị mới biết được.

Một hôm, tôi leo lên đỉnh một ngọn núi, thấy có một dải dây như lụa rất dài bay theo gió, tôi lần theo thì tìm được đường cái, tôi mừng như thể người bị tù lâu ngày tự nhiên được thả khỏi lao ngục.

Tôi chạy suốt cả quãng đường. Nửa tháng sau, đang trong mùa gặt vụ thu, tôi dẫn theo đội quân có trang bị vũ khí của quân đội đang đóng trong vùng lân cận đó, đến ngôi làng của những người dân lấy người sống cúng quỷ thần này. Nhưng chúng tôi đã lần mò suốt nửa tháng, thậm chí còn điều động trực thăng đi thám thính vẫn không thấy dấu vết của dân làng đó đâu cả, thế là có người nghi ngờ, họ cho rằng tôi đã báo cáo sai sự thật.

Ngày 30 tháng 10, tôi và lính có trang bị vũ khí trèo lên một sườn núi, lúc đó, chúng tôi ngẩn hết người ra. Dưới chân núi là một cánh đồng lúa mênh mông, trĩu hạt làm oằn cả thân lúa. Điều làm chúng tôi vô cùng kinh ngạc đó là lúa ở đây đều có màu đỏ ối như màu máu tươi, cả một cánh đồng lúa chín màu đỏ rực...

Dưới ánh trời chiều, cánh đồng mênh mông màu đỏ rực nhuộm thắm cả một góc trời.

Các bản vẽ phác thảo cứ phất phới bay đầy đồng, cảnh tượng hùng vĩ trong tranh đã ghi lại tất cả quá trình quan hệ của Tần Ca và Tạ Phi. Đào Tử hiểu rằng, khi tất cả những bí mật đã được vạch trần, phơi bày ra, thì đối sách cuối cùng cũng phải bắt đầu. Nhìn thẳng vào mắt người đàn ông trước mặt, cô nói: “Trịnh Dung Tân đã chết, nếu tôi đoán không nhầm, thì tình hình của Trần Hoa bây giờ cũng không ra gì!”

“Đấy là tội hắn làm hắn chịu, cũng đáng thôi!” Tạ Phi nói với giọng mãn nguyện.

“Thế thì bạn đồng nghiệp của tôi và vợ cậu đâu?” Không thể giữ bình tĩnh được nữa, Đào Tử xông lên quát hỏi Tạ Phi: “Họ vô tội, cậu đã biết rõ là oán niệm trong “Bảy ngôi làng ma” rất mạnh, người bình thường sau khi vào đó, thì nguy hiểm nhiều hơn là an toàn, thế tại sao cậu còn để cho họ vào để phải liên lụy...?”

Thân hình dong dỏng cao của Tạ Phi thụt lùi mấy bước, Tạ Phi bảo: “Đó là chuyện bất ngờ không may, trong khi tôi thí nghiệm giả hôn mê, họ bị người của Trần Hoa đưa vào trong hiện trường. Ai bảo bạn của cô xông vào làm gì?”

“Khi bạn đồng nghiệp của tôi phát hiện anh không làm sao, anh liền lợi dụng tâm lý muốn đăng tin của cậu ấy, để cậu ấy thí nghiệm trò chơi “Bảy ngôi làng ma” đúng không?”

Tạ Phi không nói lời nào vì cơ bản không biết phải nói gì.

“Anh đã báo thù được cho anh trai anh rồi”. Ánh mắt Đào Tử sắc như lưỡi kiếm nhìn thẳng vào Tạ Phi, cô nói tiếp: “Nhưng cái chết của Trương Vy chính là cái giá phải trả của anh đấy”.

Việc đã đến nước này, điều duy nhất mà Tạ Phi khó đối mặt đó là người vợ mới cưới của mình đang nằm trong phòng quan sát. Không muốn để cho bất kỳ ai nguyền rủa cô ấy, Tạ Phi toan nhào lên tóm lấy Đào Tử, nhưng vừa mới tiến lên một bước, anh ta đã bị té ngã bởi những đường dây truyền tải số liệu.

Tạ Phi giẫy giụa theo bản năng, không ngờ đã làm một dãy giá máy sập xuống, những cỗ máy cứng nhắc đè lên hai chân anh ta khiến hai chân dập nát, máu xương lẫn lộn...

Trong cơn tuyệt vọng, anh ta thấy Đào Tử đang ráng sức nhấc không đến nỗi vụng về. Tuy là thân gái, nhưng cô làm việc không hồ đồ, Tạ Phi không hiểu nên gượng lấy hơi hỏi: “Tại sao cô lại cứu tôi?”

Lần này cô phóng viên trẻ tuổi này không đáp lời, cô vừa cẩn thận bê dần các cỗ máy ra, vừa nói: “Anh có biết các hacker thiên tài đã viết phần mềm vi rút, khiến cho vô số công ty phá sản, công nhân thất nghiệp, phải tự vẫn không? Và sau khi bị giam vào ngục, họ phải làm những gì không?”

Thấy anh ta thất thần, Đào Tử nói: “Phải sám hối, cần phải viết lại phần mềm diệt vi rút, còn anh cũng thế, anh phải ra mà cứu vợ anh đi”. Cô vừa nói xong thì chiếc máy cuối cùng đè trên người Tạ Phi cũng được dỡ khỏi người anh ta.

Lúc này Tạ Phi cảm thấy một sự khoan khoái chưa bao giờ có, chắc nó còn khoan khoái hơn khi ở trên thiên đàng, tất cả những hận thù, tất cả những đớn đau đều tan thành mây khói. Trước mắt anh ta, hình ảnh người vợ hiền thục, dịu dàng, kiều diễm hiện ra - Trương Vy.

Anh ta nhất định phải cứu lấy vợ mình - Trương Vy.

Khi niềm tin đã được xác định, Tạ Phi liền vùng vẫy ngồi dậy nói với Đào Tử: “Xin cô... xin cô... dẫn tôi ra khỏi nơi này”.