PDA

View Full Version : AĂ - Ăn Chưa No - Lưu Thị Lương



Pages : 1 2 3 4 5 6 [7] 8 9 10 11

Nhím Hoàng Kim
08-11-2007, 07:47 PM
Chương 7

Hết tuần lễ ăn kiêng đó, Chi không đi tái khám theo lời dặn dò ghi trong cuốn sổ khám chữa bệnh. Tại vì những lý do sau đây:

Ba không cho đi nữa.

Má không dám dắt.

Anh Hai không được phép có ý kiến.

Chi thì nghĩ thầm một mình: Chắc bác sĩ chờ mỏi mắt. Chắc thằng mập nghĩ rằng Chi đã đầu hàng, bó tay, bỏ cuộc trong trận quyết đấu với sự tham ăn háu uống.

Anh Tú hỏi:

- Sao kỳ vậy?

Anh Hai trả lời ấm ớ, ậm ờ cho qua chuyện.

- Kỳ mới hay chớ!

Hết một tuần không ăn kiêng tiếp theo sau đó, ba gọi một cái cân đi rong vào hẻm.

Ba kêu Chi:

- Lên cân thử lại đi con gái!

Người ta nói, muốn biết chính xác mức độ tăng hay giảm kí lô thì nên kiểm tra, theo dõi với chỉ một cái cân mà thôi. Nói ví von là phải có lòng trung thành cân kẹo với nó. Nên tin tưởng hoàn toàn vào các con số mà nó đã định kỳ báo cho biết.

Người cân rong hôm nay không phải là người hôm nọ nhưng Chi chẳng ngần ngại gì khi leo lên cái bục nhỏ xíu ấy.

Cân nào cũng vậy thôi.

Chi đâu còn ăn uống kiêng cữ, ”đai ẹt” gì nữa. Biết chắc là sẽ nhìn thấy lại con số quen thuộc của nửa tháng trước đây. Ba giành nói với cái cân eo éo:

- Bảy mươi tám ký rưỡi. Vẫn còn thiếu nửa ký.

Rồi ba lặp lại hành động trong lần cân trước. Vừa trả tiền, ba vừa nói:

- Thôi, tắt đi. Cám ơn!

Ba tạm yên tâm, không sợ cô con gái duy nhất bị chết đói nữa. Nhưng ngày nào anh Hai cũng vò tóc bứt tai, than trời trách đất rất là phẫn uất, ai oán. Lời than ấy, anh Hai nói nhỏ nhỏ lúc ba có ở nhà, dù thức hay ngủ. Vì nếu để ba nghe được thì… thì chẳng biết sao nữa. Đại khái là không tốt lành tí nào.

Lời than ấy, anh Hai nói lớn vừa đủ nghe từ trên nhà xuống dưới bếp, nhưng không để lọt ra ngoài, chạy vô lỗ tai hàng xóm, khi ba đi đâu đó, không có mặt ở nhà.

Bởi vì chuyện này cũng xếp vào loại “gia bí” mà.

Anh Hai than như vầy, than hoài không chán:

- Cái nhà gì mà phong kiến, gia trưởng thấy ghệ Lạc hậu thấy ớn.

Một bữa nọ, ba không có nhà, sau khi than xong, anh Hai xúi Chi.

- Kệ bạ Không đi khám nữa, không ăn kiêng triệt để theo toa bác sĩ thì mình sẽ ráo riết, tích cực tập luyện thể dục thể thao cho tiêu hao khối năng lượng dư thừa.

Chi tròn mắt đứng nghe. Lòng Chi nở phồng nỗi vui sướng: “Ôi! Anh Hai có thương mình thiệt. Vậy mà mình cứ trách móc ảnh hoài. Lại còn chờ dịp sơ hở là mét ba má la rầy ảnh nữa. Mình thiệt là bậy”.

Anh Hai thấy Chi không nói gì, bèn hỏi gặng:

- Em hiểu không?

Chi giả bộ ngồi xuống lượm một cọng rác tưởng tượng trên sàn, để dễ dàng chùi nước mắt mà không sợ anh Hai nhìn thấy.

Chi vẫn ngồi xổm, cố lấy giọng tươi tỉnh nói:

- Em hiểu mà.

Anh Hai ngồi bệt xuống bên cạnh Chị Anh thủ thỉ thật là tình cảm:

- Nghe nè, anh có ý này. Về chuyện ăn uống thì vẫn cứ giảm bớt, nhưng không thể quá đáng giống như bữa trước - mặc dù tốt thiệt nhưng lại làm cho ba hoảng kinh hồn vía.

- Đúng. Em không dám để ba lo nữa đâu.

- Anh có bàn kỹ với má rồi. Má vẫn đi chợ mua cho em một ngày nửa ký rau, dưới hình thức củ quả nhưng có thêm nhiều trái cây, loại ít chứa đường. Ăn nhiều rau khiến bụng to ra, sẽ nghĩ là mình no bụng, không dám ăn nữa, mà thiệt sự thì vẫn còn đói. Em làm được không?

Chi gật đầu mấy cái.

- Em làm được. Em làm được. Anh Hai không nhớ sao, nguyên tuần vừa rồi tuân theo chế độ: ăn chưa no là đã phải buông chén gác đũa, em còn chịu nổi mà. Bây giờ ăn nhiều trở lại, gần giống như lúc chưa đi bác sĩ. Có gì khó xử đâu. Dễ ợt!

Anh Hai đánh yêu lên đầu Chị Anh hài lòng lắm lắm:

- Giỏi! Đáng khen! Khen trước cho em lên tinh thần.

Chi khịt mũi:

- Hị!

Cái tiếng đó, muốn hiểu là xúc động hay xúc xiểm cũng được. Chi biết, anh Hai không chấp nhất gì đâu với đứa em không nhỏ nhắn, đang cần anh giúp đỡ.

Anh Hai bàn tiếp:

- Coi như giải quyết xong vấn đề ăn uống, giảm bớt thu nạp năng lượng. Vấn đề thứ hai là tìm cách làm tiêu hao năng lượng.

Anh Hai đột ngột lên giọng:

- Em nghe đây!

- Dạ!

Anh Hai quào quào hai cánh tay trong không khí để minh họa cho lời nói:

- Em sẽ đi bơi. Bơi lội là hình thức tập luyện đạt hiệu quả tốt nhất, trong các môn thể thao. Bởi vì khi bơi thì người ta phải vận động toàn thân, để giữ thăng bằng trong môi trường của cá tôm cua… nòng nọc. Bơi lội huy động hết các cơ quan trong người, từ lỗ mũi thở phì phì, xuống tới mấy ngón chân lúc lắc. Phừ. Mệt quá!

Anh Hai ngừng lại để thở lấy hơi, sau khi tuôn ra ào ạt mấy câu thuyết trình về môn thể thao dưới nước.

Thừa dịp đó, Chi nói chen ngang:

- Em biết. Ở trường em, khối mười một tới học giờ thể dục là nguyên cả lớp được thầy dắt ra hồ bơi, xuống nước tập bơi ì xèo.

Anh hai hít thở điều hòa xong xuôi, gân cổ lên nói nữa.

- Bơi lội giúp người ta chuyển động khéo léo trong nước. Lại còn được dòng nước vỗ về thân thể - một hình thức mát xa rất lành mạnh.

- Em biết rồi. Trong sách có nói.

Chi đã nói “Em biết” tới lần thứ hai.

Nhưng anh Hai vẫn chưa chịu thôi. Càng nói, anh càng đưa ra cho Chi thấy nhiều điều bổ ích, để Chi mạnh dạn đi tập bơi.

- Có chuyện này, bảo đảm là em không biết đâu. Anh dám cá với em luôn. Thứ gì cũng cá, một ăn mười.

- Anh nói đi. Biết đâu…

- Đi bơi đều, được thường xuyên tắm gội, nên con người sẽ dần dần trở nên sạch sẽ. Có thể gào lên ỏm tỏi cho cả xóm đều nghe ”Vĩnh biệt gàu!” hoặc thầm thì với tấm gương soi chính cái bản mặt của mình ”Mụn ơi! Chào mi”.

- Ôi!

- Ôi cái gì?

- Em không biết bơi.

- Tao biết rồi.

- Em không dám đi bơi. Em sợ.

- Sợ không có size áo bơi vừa cho em phải không? Khỏi lo đi. Áo bơi ở phố si- đa, bán toàn đồ Tây quăng. Bảo đảm mua mấy chục cái cũng có. Thấy mấy bà đầm chưa? Bà nào bà nấy bự thù lù như cái thùng nước một ngàn lít để trên nóc nhà. Cỡ em so với họ chưa ăn thua gì đâu.

- Nhưng mà ở bên Tây, hình như, người ta không chọc ghẹo người to con lớn xác. Ở bên xứ mình, người ốm nhiều hơn người mập. Ra hồ bơi, em sẽ nổi bật. Người ta cười em cho coi. Ngại lắm.

- Phải chịu thôi em à.

- Hay là anh cho em chạy bộ, khỏi bơi hả anh Hai?

- Chạy trên bờ. Bơi dưới nước. Không thay thế được.

- Nhưng em không biết bơi một tí xíu nào hết. Còn chạy thì đã biết quá rành.

- Yên tâm đi. Tao đãõ nhờ được người dạy cho mày rồi.

Chi giựt mình, chống tay lùi ra bằng một cái lết mông, kinh ngạc kêu ré:

- Ủa! Chớ không phải anh Hai hả?

- Không.

Chi thét lên tra hỏi:

- Ai?

- Bạn tao.

- Con trai hay con gái?

- Tú.

- Ý ẹ.

- Bạn tao thân hình cân đối, mặt mày sáng sủa, trí tuệ minh mẫn. Đẹp từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài. Ý ẹ Ở chỗ nào?

Chi không trả lời ngay câu hỏi đó mà gặng hỏi lại anh Hai:

- Người dạy bơi đâu cần phải thông minh đẹp trai mới được. Sao anh không dạy cho em mình mà phải nhờ tới người ngoài? Anh cũng biết bơi chớ bộ.

Anh Hai lắc đầu, thú thiệt:

- Biết khỉ khộ Tao chỉ học lóm người ta, không có bài bản kỹ thuật gì hết, bơi cà giựt cà dẹo, xấu hoắc, bị thằng Tú chê hoài. Dạy cho mày cũng được nhưng rồi mày bơi không giống ai hết, cơ bắp cũng phát triển không ra gì. Dám không?

Chi ngó anh Hai, săm soi, cố gắng tìm lý do cãi lại, để khỏi đi tập bơi với anh Tú.

- Có thấy anh méo mó xẹo xọ gì đâu. Tay chân lưng bụng vẫn bình thường.

Anh Hai vỗ ngực tự hào nói.

- Ờ. Thì tao từ lúc mới sinh ra đã bình thường rồi mà. Còn mày thì…

Tự nhiên anh Hai nổi quạu.

- Thôi đi. Người lớn nói, người nhỏ phải nghe lời. Đừng có cãi chày cãi cối nữa. Nói một câu, mày đớp lại một câu. Mệt quá!

Chi vẫn chưa chịu nghe lời. Chi ấm ức trình bày ý kiến.

- Em đâu có cãi. Tại anh không hiểu. Nếu anh là con gái như em nè, tự nhiên mặc áo tắm hở nách, hở đùi búa xua trước mặt con trai lạ hoắc, anh có mắc cỡ không chứ? Anh thử tưởng tượng coi.

Anh Hai không thèm tưởng tượng, anh còn bác bỏ ý nghĩ của Chi nữa.

- Tú là bạn của anh. Kể như nó cũng là anh của em. Em không được mắc cỡ tào lao, không đúng chỗ.

Tới đây thì Chi ngắc ngứ, hết biết nói sao để tự cứu mình thoát ra khỏi cái cảnh nổi da gà: mặc áo tắm trước mặt anh Tú.

Chi nói thầm với mình:

- Chắc chết quá!

Chi nói ấp úng với anh Hai:

- Em…

Anh Hai sừng sộ:

- Em sao hả? Mày mắc cỡ với bạn của anh mày. Con gái biết e lệ trước mặt con trai là dấu hiệu của… của…

Anh hai xỉa tay lên trán Chi, nói huỵch toẹt ra sự thật phũ phàng:

- Chết mày! Bộ mày tính bày đặt BIẾT YÊU? Phải không?

Chi quay mặt đi chỗ khác:

- Anh Hai nói kỳ.

Giọng anh Hai chan chát như búa đang đóng đinh trên nóc nhà lợp tôn.

- Muốn yêu thì phải ốm, lúc đó mới mong có người để mắt ngó tới mình, biết chưa em? Anh Hai là con trai nè, cho em biết, anh không bao giờ chịu ngủ nằm mơ thấy một cô gái tròn quay như cái hột mít đâu!

- Kệ anh.

- Nghe rõ chưa? Lúc ngủ khò khò, mất hết tỉnh táo sáng suốt, tao còn không nghĩ tới nữa đó. Mấy cô gái đồ sộ kiểu như mày, làm sao chui lọt vào giấc mơ của người ta cho nổi. Chật ních hà em ơi!

- Nghỉ chơi anh Hai.

- Nghỉ chơi nhưng không được nghỉ bơi. Lát nữa má dắt mày đi mua áo. Sáng mai, năm giờ dậy đi tập bơi với anh Tú.

- Má ơi!

- Má mắc đi chợ mua nửa ký rau cho con gái cưng.

- Trời ơi!

Chi sắp nổi tức lên đây nè. Chi chưa kịp phồng mang trợn má thì nghe tiếng kêu:

- Chi ơi!

Không phải tiếng anh Hai kêu. Hình như…

Anh Hai bật dậy, ngồi tót lên ghế, ra lệnh cho Chi:

- Kêu ai nấy dạ. Ra mở cửa mau. Phải tận dụng mọi lúc mọi nơi để vận động tay chân, thải bớt trọng lượng dư thừa đi em.

Chi lồm cồm bò dậy, tim bắt đầu đập hơi nhanh. Bên ngoài kêu tiếp khi Chi còn hai bước chân nữa là tới cửa:

- Chi à!

- Nghe rồi. Nghe rồi. Chờ chút xíu.

Chi lên tiếng trả lời, trong đầu nhấp nháy một ý nghĩ. Chắc là…

Chi chầm chậm xoay nửa vòng cái chốt cửa, thầm mong điều mình đang nghĩ là sự thật. Cánh cửa từ từ mở ra. Cửa không kêu mà Chi kêu.

- Anh Tú!

Cùng lúc đó, Chi nghe trong ngực mình, ở phía bên trái, nổi lên một tràng âm thanh lào xào, loạn xạ. Thình thình thình. Thịch thịch thịch. Thình thịch.

Còn anh Tú thì sao?

Anh ngồi trên yên xe, nở một nụ cười tươi rói. Trên tay anh có một cái gói. Một cái bao xốp. Màu đen. Nhăn nhúm. Anh chìa cái đống bèo nhèo, không biết là chứa cái gì đó ở bên trong, cho Chi:

- Nè cho em đọc, nghiên cứu trước, để biết phần lý thuyết.

Chi chạm tay vào cái gói đen thui, cứng ngắc mà bây giờ đã rõ, chỉ là một cuốn sách mỏng. Chi e dè hỏi.

- Lý thuyết gì hả anh Tú?

Anh Tú mở cái bao, lấy cuốn sách ra, lật lật mấy tờ rồi ấn vào tay Chị Anh nói, hào hứng, sôi nổi và rất nhiệt tình:

- Coi đi. Lý thuyết bơi đó. Người ta chỉ mình cách hít thở trong nước, trình bày tất cả các kiểu bơi. Có hình vẽ dễ hiểu lắm.

Vậy mà Chi chỉ hưởng ứng bằng một tiếng cụt ngủn, nhỏ rí:

- Dạ.

Anh Tú không để ý chuyện đó. Anh dúi luôn cái bao nhăn nheo vào tay Chi, nói tiếp:

- Anh ghé qua đưa sách, luôn tiện nhắc em, nhớ phải mua thêm cái nón bơi để trùm đầu. Nước hồ có pha thuốc sát trùng. Không đội nón, nước sẽ làm tóc khô queo, cứng ngắc như cái chổi quét nhà.

Chi lí nhí dạ dạ, trong lòng lao xao vui vui với ý nghĩ: vậy là anh Tú có quan tâm tới mình, sợ tóc mình mất đẹp.

Anh Tú chỉ tay lên mắt của anh, hỏi Chi:

- Có kiếng bơi chưa?

Trời ơi! Đúng là có quan tâm thiệt rồi. Hỏi tới kiếng bơi tức là sợ mắt mình bị nước hồ bơi làm nhiễm trùng rồi đổ ghèn chèm nhẹp. Cái chất ghèn đáng ghét đó, sẽ che, sẽ bít kín mít vẻ trong sáng long lanh, ngây thơ của đôi mắt nữ sinh lớp mười. Xúc động quá Chi ơi!

Chi lính quýnh, trả lời trật trịa hết trơn:

- Da,ï không có gì hết.

Anh Tú nhổm người đứng lên, hướng giọng nói gay gắt vào trong nhà:

- Ê! Thằng anh Hai kia! Nhớ mua thêm cho nó cái kiếng bơi nữa đó. Nhớ chưa?

Anh Hai vừa bước ra cửa vừa nói, không vui vẻ:

- Nhớ rồi.

Anh Tú chỉ anh Hai:

- Sáng mai mày có đi với tao không?

Anh Hai quạu quọ chỉ tay qua Chi:

- Đừng hỏi tao. Hỏi nó kìa.

Nhiệt tình sùng sục nãy giờ của anh Tú có vẻ nguội bớt, sau câu trả lời bán cái của anh Hai.

Người con trai dễ thương ấy ngồi phịch xuống, nhăn mũi hỏi:

- Chuyện gì nữa đây? Chi nè, mai em có đi tập bơi với anh không?

Chi nhìn anh Hai, lập tức được nghe anh Hai lạnh lùng ép buộc:

- Không phải chuyện gia bí. Khỏi cầu cứu. Không cần vận dụng tục ngữ: Anh em như thể tay chân.

Chi nuốt nước miếng. Nhưng vẫn chưa chịu nói.

Anh Hai thúc hối, nhát gừng:

- Tự xử. Nói đi!

Chi ngó anh Tú, mạnh dạn gật đầu nói:

- Dạ có.

- Hừ.

Tiếng hừ bực tức này, chỉ có hai anh em Chi nghe thấy.