PDA

View Full Version : AĂ - Ăn Chưa No - Lưu Thị Lương



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 [11]

Nhím Hoàng Kim
08-11-2007, 07:50 PM
Chương 11

Không đi bơi, Chi ít có dịp gặp anh Tú. Hồi trước, lúc chưa dạy Chi tập bơi, anh Tú cũng lâu lâu mới tới. Anh đứng ngoài cửa, hoặc là chờ anh Hai cùng đi đâu đó, hoặc là nói mấy câu rồi về luôn, chớ không vô nhà.

Chẳng còn dịp nhìn thấy thường xuyên, liên tục, trong đầu Chi, anh Tú mờ dần đi. Như cái bóng ma trong veo hiện hồn trong phim, rồi tan biến ngay trước mắt mọi người.

Không a lô trả lời chuông điện thoại của tên mập, từ đó trở đi, chẳng thấy nó gọi tìm Chi nữa.

Phần hồn coi như nhẹ nhõm. Xếp cất vào ngăn tủ lãng quên đi nhé. Hãy tập trung ý chí vào việc giải quyết cái phần xác nặng nề đi thôi. Chi răn đe mình như vậy.

Chi cần cù đi tập thể dục thẩm mỹ hằng ngày, một mình, bằng xe đạp. Cái xe đạp cũ của thời xa xưa được sửa sang lại, cũng còn chắc chắn lắm, đủ sức chịu đựng một khối lượng lớn quá mức bình thường.

Ba bảo đảm:

- Không thèm sợ! Hồi đó, ba chở má mang bầu anh Hai, xe vẫn chạy veo veo, ngon lành. Một mình Chi, đâu có bằng sức nặng của hai người lớn - nói chính xác là hai người lớn cộng thêm một em bé. Không đời nào gãy sườn xe đâu. Đừng có lo con gái ơi!

Ở chỗ tập mới này, không có đứa con trai mập mạp nào hết.

Không lo bị lặp lại màn kịch đi tìm người đồng cảnh ngộ, đòi chia xẻ, bổ sung quyết tâm làm ốm. Ở chỗ tập mới này, chỉ có những người tha thiết, mong muốn giữ được nét đẹp hài hòa của cơ thể. Trong phòng tập, có một bức vách không quét vôi mà dát bằng gương soi để học viên nhìn vào, tự so sánh mình với những người chung quanh và nung nấu khao khát hướng tới vóc dáng gọn gàng, săn chắc của giáo viên hướng dẫn tập luyện trong lớp.

Ngày đầu tiên đi học, cô giáo dặn riêng với Chi:

- Em phải tập hơi lâu hơn mấy cô, mấy chị Ở đây. Phải đi đều, không bỏ ngày nào mới mong có ép phê.

Chi hỏi lại cho chắc:

- Ép phê là sao ạ?

- Ý cô muốn nói là có kết quả ấy mà.

Đã quen xin nghỉ học giờ thể dục trong trường, mỗi lần tới kỳ hạn hằng tháng, Chi lè lưỡi hỏi:

- Mấy ngày ”bị” cũng tập luôn hả cô?

Cô giáo gật đầu rất điệu.

- Cứ tập bình thường. Sức tới đâu, tập tới đó.

Giọng cô hô hào cho cả lớp tập các động tác đứng lên, nằm xuống cũng rất điệu:

- Một hai ba bốn năm sáu bảy...

Tuần thứ nhất, toàn thân rã rời nhức nhối, ê ẩm, đau đớn đến nỗi bước lom khom, hai tay buông thõng thượt như con khỉ đột đi dạo trong Sở thú.

Chi rên rỉ:

- Chắc em bị gãy xương rồi cô ơi.

Cô giáo tỉnh bơ:

- Không phải. Em chỉ bị giãn cơ thôi. Đau là có ép phê đó! Hai hai ba bốn năm sáu bảy...

Tuần thứ hai, các chỗ đau nhức biến mất.

- Ba hai ba bốn năm sáu bảy...

Tuần thứ ba, bắt đầu thuộc và thành thạo thì cũng bắt đầu chán. Có bây nhiêu đó mà lặp đi lặp lại hoài. Chẳng hạn, có một động tác ẹo ba sườn về phía bên trái mà làm tới năm chục lần. Sau đó, ẹo năm chục lần y như vậy nhưng về phía bên phải. Nghỉ ba mươi giây, làm tiếp. Một trăm lần nữa!

Ẹo riết, phát chóng mặt như bị say xe đò.

Qúa ngán!

Khi tụi lớp rủ đi làm cổ động viên cho trường mình thi ca nhạc ở công viên nước, Chi xin phép nghỉ tập một buổi đi liền, còn tự an ủi mình: ở trong đó có nhiều trò chơi vận động, Chi sẽ chơi hết, coi như bù lại buổi tập hôm nay.

Chi xách theo đồ tắm, nón bơi, kiếng bơi... vì chưa quên những lời dặn dò chân tình của anh Tú.

*

* *

Buổi thi có ba trường.

Các cổ động viên ngoài nhiệm vụ đi vỗ tay ủng hộ đội nhà, còn có mục đích đi chơi nước (trong đó có Chi) khi được thông báo: “Trường tụi mình thi chính giữa” thì sung sướng reo hò, tranh thủ kéo nhau đi thay đồ.

Những ngày hè nóng bức muốn lột da mà được vô cổng miễn phí cái chỗ có quá chừng trò chơi trong nước như chỗ này, bộ ngu sao mà không tận dụng.

Chi nhào xuống cái biển giả có từng đợt sóng nhồi lên xuống như quậy tay trong chậu nước tắm em bé.

Qúa mát!

Đang té nhào hụp lên hụp xuống trong làn nước xanh trong thì mớ cổ động viên còn đứng trên bờ kêu rối rít:

- Chi Chị Lên coi. Ngộ lắm.

- Lẹ lên. Không thôi nó hết là uổng lắm.

- Đúng là chậm như…voi.

Chi hi hụi chạy lên.

Cả đám bu vào đẩy, kéo Chi lại trước sân khấu lắp ghép ngoài trời, sát bên cái biển. Đám bạn chỉ chỏ, nói nhỏ nhỏ:

- Đó đó. Trên sân khấu kìa.

- Giống ghê!

- Hi hị Có khả năng có bồ rồi nghe.

Ối trời đất gió mây mưa bão sấm sét ơi!

Thằng mập! Nó đang đứng lù lù chính giữa cái sân khấu màu mè sặc sỡ. Chính cái mặt nó chớ không ai khác. Chi còn nhớ mà.

Nó ăn mặc cũng quái dị.

Một bộ đồ màu dầu nhớt, bóng loáng.

Nhìn nó không thể không nghĩ tới một món ăn béo ngậy: voi xối mỡ.

Nhưng… Ôi! Hãy lắng cái lỗ tai cây mà nghe đi.

Tiếng hát của con voi xối mỡ ấy giống như tiếng chim hót líu lo buổi sáng, tiếng ve sầu rỉ rả buổi trưa, tiếng dế gáy vang rền buổi tối. Còn nữa, những khi xuống giọng, như là tiếng ếch kêu ồm ộp sau cơn mưa.

Qúa độc!

Hay ơi là hay!

Chi đứng nghe say sưa, không còn nhớ mình đang ướt mèm từ đỉnh đầu tới gót chân, người mình đang mặc áo tắm, lại còn tròng ngang hông một cái phao. Cái phao cứng đơ, xòe ra ngang phè giống như mặc váy múa ba lê.

Thằng mập đã hát xong nhưng còn tươi rói đứng chờ cho ban nhạc dạo cho hết khúc đuôi. Chi cuống quýt quay qua quay lại hỏi tụi bạn.

- Bó bông của tụi mình đâu? Đưa đây!

Tụi lớp cũng nhốn nháo:

- Đứa nào cầm?

- Mất đâu rồi?

Chi nhìn thấy một cái áo trường khác ngồi gần đó. Tên con trai này đang phe phẩy quạt mát bằng một trái tim cắt ở mấy tấm mốp, dùng để chẹn đồ đạc dễ vỡ.

Chi cúi xuống hỏi:

- Ệ Cho mượn được không? Lát trả liền.

- Làm gì?

- Tặng thằng hát trên đó.

Đứa kia ngó Chi, hơi cười cười:

- Nhớ trả lại nghe. Trường tui dùng để quơ lên cổ động cho gà nhà đó. Không có gì quơ, lát nữa tui bị khiển trách đó.

- Hứa mà. Tin tui đi. Uy tín đầy mình.

- Thấy vậy mà không biết có phải vậy không đó?

Kệ nó lải nhải chưa muốn đưa, Chi giựt trái tim một cái rẹt, nhanh nhẹn leo bốn bậc thang lên sân khấu.

Chi dí trái tim nhẹ hổng nhẹ hều đó vô tay con voi bóng láng, hấp tấp nói:

- Tặng bạn. Còn nhớ tui hông?

- Ối! Tưởng bạn quên tui rồi.

- Chưa đâu!

Chi quay mình chạy xuống bốn bậc thang. Lúc đó mới thấy khán giả đang vỗ tay rầm rầm. Nguyên khu vực đó náo loạn còn hơn sân bóng, khi thủ môn té dập mặt trước khung thành mà trong tay không có trái banh.

Quần chúng thi nhau làm ra đủ thứ tiếng ồn. Vỗ ghế. Đánh trống. Gõ nắp thùng đựng đá. Đập chân mang giày xuống đất…



Tiếng người la ó:

- Nữa đi!

- Ờ ghen!

- Chưa từng thấy!

Chi ù tai nhưng vẫn nghe được tiếng tên con trai khác trường hét lên thảm thiết:

- Trả lại trái tim cho tui. Trả lại trái tim cho tui đi chớ. Lẹ lên. Nó xuống rồi kìa.

Tên mập đi thẳng lại chỗ Chi, đưa lại trái tim cho Chi.

Tên trường khác ấy lẹ tay giựt trước.

- Của tui.

Chi nói với nó.

- Trả rồi đó nghe. Cám ơn nhiều nhiều.

Tên kia không nói gì, vội vàng đứng lên, ôm chặt cái đồ vật để cổ động vào ngực, sắp sửa chạy đi chỗ khác.

Nó nói:

- Chào! Chúc vui vẻ.

Chi kêu:

- Cứ ngồi đi.

Tên mập cũng mời:

- Còn ghế mà.

Tên nọ từ chối thẳng:

- Thôi. Để tui đi. Ai dám bảo đảm bà không nổi hứng mượn nữa chứ. Một mình bà, tui còn không dám chống cự. Bây giờ thêm một đứa bự bành ky hơn nữa. Ai mà chịu cho nổi.

Hai đứa ôm bụng… của mình cười hả hả hà hà riết, cho tới lúc tên kia chìm mất vào đám đông.